|
Rotavirus là một trong những tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng trẻ em dưới 2 tuổi
|
Rotavirus là một trong những tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh thường xảy ra theo mùa tập trung vào mùa đông. Rotavirus có 4 typ huyết thanh gây bệnh.
Khi bị nhiễm 1 typ cơ thể chỉ đáp ứng tiêu chảy với 1 typ đó và trẻ có thể vẫn mắc các typ khác. 1/3 số trẻ dưới 2 tuổi mắc ít nhất 1 đợt tiêu chảy do Rotavirus, bệnh cũng chiếm 50% - 65% tiêu chảy cấp ở các trẻ nhập viện.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh tiêu chảy do Rotavirus là gì?
Nôn liên tục: Đây là biểu hiện khởi phát bệnh, trẻ thường nôn liên tục nhiều lần hoặc vài lần trong ngày đầu tiên làm cho trẻ mất nước và điện giải. Biểu hiện mất nước có thể từ nhẹ tới nặng: trẻ tỉnh táo hoặc kích thích li bì vật vã nặng hơn là hôn mê.
Trẻ còn tỉnh thường khát nước, biểu hiện uống nước háo hức, vồ lấy thìa hay cốc nước hoặc khóc khi ngừng cho trẻ uống nước. Nếu mất nước nặng, trẻ không uống được nước nữa.
Triệu chứng khác của mất nước như: mắt trũng, ít hoặc không có nước mắt, miệng và lưỡi khô, nếp véo da mất đi chậm hoặc rất chậm( trên 2 giây); trẻ có thóp trước lõm với trẻ còn thóp…
Đại tiện phân lỏng: Trẻ thường đi ngoài tóe nước nhiều lần( > 10 lần/ ngày), mùi chua, phân có thể có nhầy nếu đồng nhiễm vi khuẩn.
Các biểu hiện khác: Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm sốt vừa đến sốt cao 39 độ C đến 40 độ C, trường hợp nặng có thể có co giật do sốt cao hoặc do rối loạn nước điện giải nặng. Các triệu chứng như đau bụng, ho chảy nước mũi cũng có thể xuất hiện…
Bệnh được chẩn đoán như thế nào?
Phương pháp chẩn đoán nhanh phát hiện virus hoặc kháng nguyên; phương pháp chẩn đoán phát hiện ARN của virus; phương pháp chẩn đoán huyết thanh học. Ngoài ra bệnh nhân nhập viện còn cần làm thêm các xét nghiệm máu để kiểm tra điện giải đồ, công thức bạch cầu, soi phân tươi…
Các phương pháp xử lý khi trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus là gì ?
Trẻ bị bệnh với các biểu hiện nhẹ có thể điều trị ngoại trú nhưng cần tuân thủ các nguyên tắc: bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol, nước cháo muối, nước hoa quả…; tăng cường bú mẹ với trẻ dưới 6 tháng tuổi; đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ với khẩu phần ăn đủ các nhóm dinh dưỡng đạm, đường, chất béo và rau xanh, các thức ăn nên được chế biến dạng lỏng, mềm dễ tiêu hóa và có thể chia làm nhiều bữa hơn trong ngày.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh và các thuốc cầm ỉa; uống các nước công nghiệp có ga hoặc cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa. Việc sử dụng vaccin phòng bệnh cũng là một trong những biện pháp hạn chế trẻ mắc bệnh cũng như giảm mức độ nặng của bệnh
Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện?
Khi trẻ nôn liên tục không bù được nước điện giải bằng đường uống
Các trẻ có bệnh lý nền; trẻ li bì, lừ đừ, mệt mỏi nhiều
Trẻ sốt cao hoặc bị co giật
Trẻ đi ngoài phân lỏng nước nhiều lần, liên tục hoặc các bất thường khác…
Các biện pháp phòng bệnh: Cần khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ: nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, sau đó cho trẻ ăn thêm, cần đảm bảo vệ sinh sữa mẹ và vú mẹ trong thời gian cho con bú.
Cần cải thiện tập quán ăn dặm cho trẻ: các trẻ được ăn dặm đúng thời gian, đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống. Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi ngoài, thay tã lót cho trẻ, trước khi làm thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh và xử lý an toàn phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy.
Cử nhân điều dưỡng Đinh Thị Oanh, Khoa Nhi- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Theo Báo Đại biểu nhân dân