Nhìn lại một năm Việt Nam triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19

Cách đây một năm, ngày 8/3/2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với Hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

Sau tròn 1 năm, số vaccine đã được tiêm là gần 198 triệu liều, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có số liều và tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 nhiều và nhanh nhất thế giới. 

 Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN
Xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu

Đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020. Sau hơn 2 năm, kinh tế-xã hội của cả nước đã bị tác động và ảnh hưởng nặng nề. Dù năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh với tổng số ca tử vong xác nhận cả năm là 35 ca, nhưng đến năm 2021, tình hình trở nên trầm trọng hơn với số ca mắc và số ca tử vong tăng cao. Dịch lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Trong hơn 2 tháng đầu năm 2022, nhất là trong tháng 2 và đầu tháng 3, các ca mắc mới liên tục tăng cao tại nhiều địa phương, như: Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Sơn La…

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, ngay từ thời gian đầu, Việt Nam xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ứng phó với đại dịch COVID-19.

Chiến lược vaccine của Việt Nam tập trung vào các nội dung chính như: đẩy mạnh ngoại giao vaccine; tăng cường nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử... 

Quyết liệt thực hiện ngoại giao vaccine

Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp. Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong nước và ngoài nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đề cập đến việc hợp tác vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác.

 Ngoại giao vaccine đã đóng góp lớn vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Ảnh minh họa: Nguyễn Điệp/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Hàng trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay.

Nhờ đó, đến ngày 6/3/2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau từ nhiều nguồn ngân sách nhà nước và nguồn viện trợ, tài trợ.

Trong tổng số liều vaccine đã tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ 204,4 triệu liều, số liều vaccine còn lại hiện đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch với chủ đề "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ" diễn ra ngày 27/12/2021, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã bày tỏ ấn tượng trước thành quả tiếp cận vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam.

Trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới

Ngày 8/3/2021, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Đến ngày 10/7/2021, Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam, huy động tổng lực cùng tham gia của hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng dân y, quân y, công lập, tư nhân. Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", "không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào" và "không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19".

Việc phân bổ vaccine và triển khai tiêm chủng được bố trí linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn dịch và tình hình của từng địa phương. Hầu hết các địa phương đều sử dụng hiệu quả nguồn vaccine được phân bổ, tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để xảy ra tình trạng vaccine hết hạn phải hủy bỏ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tối 7/3, Việt Nam đã tiêm được gần 198 triệu liều. Trong đó, với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ mũi 1, mũi 2, mũi 3 lần lượt là 100%, 98,4%5 và 37,4%; với đối tượng từ 12-17 tuổi, tỷ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%.

Đáng chú ý, trong 30 ngày triển khai Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ 29/1 đến 28/2), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc.

Tại buổi Lễ phát động Chiến dịch “Hành trình an toàn,” diễn ra ngày 7/3, do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phối hợp với Bộ Y tế và WHO phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine “đi sau-về trước” với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Trước đó, tại Phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (diễn ra ngày 5/3), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, thời gian qua tỷ lệ nhiễm tăng cao nhưng số ca nặng rất thấp là do chúng ta thực hiện rất tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine với tỷ lệ lên tới 98-99%. Điểm lại công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chiến dịch tiêm vaccine của chúng ta thành công, đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch vaccine

Với tỷ lệ tiêm chủng cao, dù số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (so với tháng 1/2022, số ca cộng đồng cả nước tháng 2/2022 tăng 197,9%) nhưng số ca tử vong giảm 47,1%; số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%; số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Đặc biệt, tỷ lệ số ca tử vong/tổng số ca mắc đã giảm 0,8% (còn 0,2%) so với tháng trước (1%).

Thành công trong chiến dịch tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 không chỉ góp phần bảo vệ sức khoẻ của nhân dân trong đại dịch mà còn làm cho cả nước "thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả" song song với phát triển kinh tế-xã hội.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý I/2022 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022, chuẩn bị chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi…

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19; UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về tình hình sử dụng vaccine tại địa phương, đảm bảo không để vaccine hết hạn phải hủy bỏ.
Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục mua vaccine và chuẩn bị để triển khai tiêm cho nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi; đồng thời đang nghiên cứu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4.

Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang có 3 ứng viên vaccine COVID-19 sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ triển khai thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Đó là Vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen; vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang và vaccine ARCT-154 - vaccine công nghệ mRNA của Công ty Acturus (Mỹ) được Tập đoàn VinGroup đàm phán để chuyển giao công nghệ về Việt Nam.

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất, nhằm chủ động nguồn vaccine trong nước cho người từ 18 tuổi trở lên, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị quan tâm nghiên cứu các loại vaccine phòng ngừa các biến thể mới, thích ứng với các độ tuổi khác nhau, trong đó bao gồm vaccine cho trẻ em.

Một số dấu mốc trong 1 năm Việt Nam triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19
    - Ngày 8/3/2021: bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19
    - Ngày 31/8: vượt 20 triệu liều
    - Ngày 27/9: vượt 40 triệu liều
    - Ngày 15/10: vượt 60 triệu liều
    - Ngày 29/10: vượt 80 triệu liều
    - Ngày 15/11: vượt 100 triệu liều
    - Ngày 28/11: vượt 120 triệu liều
    - Ngày 20/12: vượt 140 triệu liều
    - Ngày 8/1/2022: vượt 160 triệu liều
    - Ngày 27/1: vượt 180 triệu liều
    - Ngày 7/3: gần 198 triệu liều.

Theo Minh Duyên (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều