Những định kiến sai lầm về bệnh ung thư

Định kiến sai lầm phổ biến nhất là: mắc bệnh ung thư đồng nghĩa mang bản án tử hình, nếu có điều trị thì cũng chỉ vớt vát, kéo dài sự sống thêm một thời gian ngắn. Hệ Lụy của định kiến này là tâm lý bi quan quá mức, buông bỏ và không tuân thủ điều trị…
 

Bác sĩ Bệnh viện K khám sàng lọc ung thư tuyến giáp cho người bệnh. Ảnh: TRẦN HÀ

Thực tế, các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài sống thêm đáng kể, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại bệnh ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời như ung thư: tuyến giáp, vú, tiền liệt tuyến, đại tràng… Thực tế tại Bệnh viện K đã có rất nhiều người bệnh ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm thậm chí lên đến 30 năm… Lý do có lẽ là mọi người thường có cảm nhận chủ quan, nhận thấy chung quanh mình có nhiều người bệnh ung thư sau một thời gian điều trị là chết mà ít biết rằng, có rất nhiều người bệnh ung thư đã được điều trị thành công, đang sống khỏe mạnh.

Khó tin nhưng hiện vẫn có không ít người dân nghĩ rằng bị ung thư là do quả báo, nghiệp quật, trời hành. Trên thực tế, ai cũng có thể mắc bệnh ung thư, mọi lứa tuổi, giới tính, sắc tộc và thành phần xã hội. Ung thư xuất hiện ở mọi vùng, hầu như mỗi xóm làng, cơ quan, đơn vị đều thấy có người mắc ung thư. Nhưng phần lớn ung thư xuất hiện ở người ngoài 50 tuổi khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích lũy để hình thành phát sinh bệnh. Tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng cao hơn ở xã hội phát triển.

Vậy nguyên nhân nào gây bệnh ung thư? Ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư, gây thương tổn DNA của tế bào không hồi phục. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, thoát ra khỏi sự kiểm soát sinh lý bình thường, mất khả năng biệt hóa, xâm lấn cục bộ phá hủy các tổ chức chung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó nguyên nhân từ môi trường, ăn uống chiếm tới khoảng 80% nguyên nhân sinh ung thư như dùng thuốc lá, rượu, bức xạ ion hóa, tia cực tím… Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như di truyền, nhiễm vi sinh vật… Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được như hút thuốc, uống rượu, nhai trầu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn lây nhiễm vi-rút HPV, không tiêm phòng viêm gan B dẫn đến lây nhiễm và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời… Tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được là tuổi tác, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh. Càng nhiều tuổi, sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật càng giảm, thời gian tiếp xúc, tích lũy các yếu tố nguy cơ càng nhiều, ung thư càng dễ phát sinh. Rất may chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn nội sinh từ bên trong cơ thể, các tổn thương có tính di truyền, những nguyên nhân không thay đổi được.

Mặc dù khoa học đã xác định được các tác nhân, yếu tố nguy cơ gây ung thư nhưng trên thực tế hầu hết từng trường hợp cụ thể, bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán nguyên nhân vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong cuộc sống. Chính vì các bác sĩ không phải lúc nào cũng có thể tìm ra nguyên nhân mắc ung thư chắc chắn, cho nên nhiều người tự đưa ra những lời giải thích riêng cho mình theo cách tâm linh để trả lời câu hỏi mình đã làm gì để dẫn đến mắc bệnh ung thư. Cổ nhân cũng có câu “nhân định thắng thiên”, nếu loại bỏ, tránh hoặc giảm tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư nêu trên, có thể phòng được một phần ba bệnh ung thư.

Một định kiến sai lầm phổ biến khác là ung thư mà đụng dao kéo sẽ khiến bệnh phát triển nhanh và tử vong sớm hơn. Trong thực tế hoàn toàn ngược lại, đối với phần lớn các loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa người bệnh ung thư ở giai đoạn sớm. Hậu quả của quan niệm này cũng rất nguy hiểm, tai hại, người bệnh sợ hãi và trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc này, thuốc kia… khi bệnh đã nặng mới vào viện, thời điểm vàng của quá trình điều trị đã trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật đã mất.

Có một số lý do có thể giải thích cho hiện tượng này. Đầu tiên nhiều người bệnh, nhất là giai đoạn muộn, vẫn có chỉ định phẫu thuật để giải quyết biến chứng của khối u chứ không phải là phẫu thuật để khỏi bệnh như phẫu thuật cầm máu, mở thông dạ dày nuôi dưỡng khi người bệnh không ăn uống được, phẫu thuật tắc ruột… dẫn đến sau mổ có thể bệnh vẫn tiến triển xấu đi. Nhưng thường gặp hơn là các trường hợp phẫu thuật thất bại, tai biến phẫu thuật, phẫu thuật quá giai đoạn, quá chỉ định. Tai biến phẫu thuật là điều không ai mong muốn nhưng là rủi ro luôn có thể xảy ra như bất kỳ can thiệp nào khác trong y khoa kể cả thông thường như tiêm thuốc kháng sinh.

Cuối cùng, cũng có khi người bệnh được phẫu thuật triệt căn, thuận lợi nhưng bệnh vẫn có thể tái phát do đây là bản chất của bệnh ung thư. Trong nhiều trường hợp, sau khi phẫu thuật triệt căn, người bệnh không được điều trị bổ sung sau mổ một cách bài bản, bệnh cũng có thể tái phát trong thời gian ngắn. Khi điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật không phải là sự kết thúc điều trị, mà chỉ là nền tảng cho các điều trị bổ sung tiếp theo.

Khách quan mà nói, một số cơ chế bệnh sinh học ung thư còn chưa được làm sáng tỏ, căn bệnh này vẫn còn nhiều bí ẩn cần được khám phá, nhiều phương thức điều trị mới cần được nghiên cứu để chữa trị. Dường như điều này lại là nguyên nhân thông tin về bệnh ung thư dễ bị sai lạc, phản khoa học, dẫn tới không ít người bệnh ung thư bị lợi dụng. Chúng tôi cho rằng điều đúng đắn nhất và nên làm là người bệnh và gia đình hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ nhất về bệnh, điều trị và tiên lượng cũng như dùng các phương thức, thuốc điều trị chính thống tại cơ sở chuyên khoa, không nghe theo những lời đồn đại để mất đi thời gian quý báu có thể chữa được bệnh mà sẽ là tiền mất, tật mang.

 

Theo PGS, TS LÊ VĂN QUẢNG / Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều