Những khó khăn, thách thức trong việc nâng cao sức khỏe toàn cầu

(Mặt trận) - Ngày Sức khỏe Thế giới hay Ngày Y tế Thế giới (WHD) được tổ chức vào ngày 7/4 hàng năm với mục tiêu tăng cường nhận thức và hiểu biết về các vấn đề liên quan đến sức khỏe toàn cầu, đồng thời tôn vinh các nỗ lực và thành tựu trong lĩnh vực y tế. Chủ đề của WHD năm nay là “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi” mang ý nghĩa bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người dân, ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như nguồn nước an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng, điều kiện môi trường sống và làm việc tốt và không bị phân biệt đối xử. Muốn đạt được những mục tiêu này, tất cả các quốc gia trên toàn cầu cần chung tay nỗ lực hơn nữa để vượt qua những thách thức lớn hiện nay.
 Người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. ẢNH: UN GLOBAL COMPACT

Trên khắp thế giới, quyền về y tế và chăm sóc sức khỏe của hàng triệu người đang ngày càng bị đe dọa. Bệnh tật và thiên tai thường là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật; chiến tranh, xung đột vũ trang đang tàn phá cuộc sống, gây ra thương vong, đói khát và chấn thương tâm lý cho hàng triệu người.

Hiện nay, có 140 quốc gia đã công nhận y tế là một trong các quyền con người được ghi trong Hiến pháp. Tuy nhiên, các quốc gia này chưa thông qua và đưa vào thực thi luật để đảm bảo cho người dân có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này dẫn tới thực tế là có ít nhất 4,5 tỷ người (hơn một nửa dân số thế giới không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu).

Là mối liên kết đầu tiên và thường là duy nhất với các dịch vụ y tế thiết yếu cho hàng triệu người, nhân viên y tế tuyến đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị bệnh, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn và vùng xung đột. Mặc dù vai trò của nhân viên y tế tuyến đầu là rất quan trọng nhưng chúng ta lại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu nhân viên y tế. Ít nhất 55 quốc gia không có đủ bác sĩ và y tá để đáp ứng tỷ lệ nhân viên y tế tối thiểu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe và an toàn của bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế hiện tại không được đào tạo bài bản, không được trang bị đầy đủ trang thiết bị và phải nhận mức lương thấp.

Mặc dù, tình hình đang được cải thiện ở nhiều quốc gia nhưng với tốc độ như hiện nay thì tới năm 2030, toàn thế giới vẫn thiếu hụt 10 triệu nhân viên y tế, và điều này cũng sẽ diễn ra không đồng đều ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp. Các nhân viên y tế tuyến đầu còn phải đối mặt với các hiểm họa liên quan tới sự an toàn khi nhiều cuộc tấn công diễn ra ở Ukraine, Gaza và Sudan đã nhắm vào các nhân viên y tế và cơ sở y tế.

Chúng ta vẫn chưa thể quên những tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội mà đại dịch Covid-19 đã gây ra trong 4 năm qua. Để phòng tránh những tác động tiêu cực có thể xảy đến trong tương lai, WHO đã tổ chức các cuộc đàm phán đa quốc gia về việc kí kết một hiệp ước hoặc hiệp định về đại dịch nhằm giúp thế giới ứng phó tốt hơn nếu đại dịch mới xảy ra. Các cuộc đàm phán này hướng tới mục tiêu đảm bảo việc ứng phó công bằng hơn trên toàn cầu khi đại dịch tiếp theo diễn ra, theo đó, các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình sẽ không phải chờ đợi được tiếp cận với vắc xin, thuốc men và các liệu pháp y tế thiết yếu khi nguồn cung toàn cầu đang cạn kiệt. Đây là một mục tiêu đáng để hướng tới mặc dù có nhiều thách thức đặt ra.

Trong đại dịch Covid-19, các quốc gia phát triển đã tìm được tuyến phân phối đầu tiên về thuốc men, vắc xin… sẽ khó có khả năng ký kết các thỏa thuận có thể gây trở ngại cho họ nếu đại dịch xảy ra trong tương lai. Tương tự như vậy, các quốc gia có nền công nghiệp dược phẩm phát triển mạnh cũng khó có thể đồng ý với các điều khoản có ảnh hưởng tới khả năng nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc và vắc xin do họ sản xuất ra. Đây cũng sẽ là một trong những thách thức đối với sức khỏe và y tế toàn cầu. Sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia và khu vực dẫn đến bất đồng trong tiếp cận dịch vụ y tế và các nguồn lực y tế.

Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương bởi các vấn đề xã hội. ẢNH: UNHCR 
Xung đột vũ trang gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng. ẢNH: GMA
Các nước đang phát triển thường gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, do hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính và nhân lực y tế. Điều này làm tăng nguy cơ cho sức khỏe của các cộng đồng dân cư và gây ra bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Đồng thời, phát triển kinh tế không đồng đều cũng có thể dẫn đến tình trạng di cư đến các nước giàu có hơn để tìm kiếm dịch vụ y tế tốt hơn, tạo ra áp lực cho hệ thống y tế của những nước đó. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác quốc tế và các biện pháp chính sách để hỗ trợ sự phát triển kinh tế bền vững và công bằng, đồng thời cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản cho tất cả mọi người.

Khi mối lo ngại về Covid-19 giảm bớt, giới truyền thông và một bộ phận công chúng đã chuyển mối lo ngại của mình vào tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Năm 2023 được xem là năm nóng kỷ lục và thảm họa khí hậu xảy ra liên tiếp trên toàn cầu. Có rất nhiều mối nguy hại liên quan đến sức khỏe khi hành tinh nóng lên, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm do véc tơ truyền bệnh từ côn trùng như muỗi hoặc ve sang người. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo rằng khi hành tinh nóng lên, phạm vi sinh sản của muỗi cũng mở rộng, mang các mầm bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt vàng da và zika lan mạnh trong cộng đồng ở cả những nơi chúng chưa từng xuất hiện trước đây.

Châu Âu đã chứng kiến các trường hợp sốt xuất huyết ở các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha và thậm chí ở vùng Paris, Pháp. Riêng tại khu vực châu Mỹ trong năm vừa qua đã ghi nhận hơn 4,2 triệu ca sốt xuất huyết, trong đó có hơn 6.500 ca nặng và 2.050 trường hợp tử vong. Con số này đã vượt qua kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2019 (3,1 triệu ca). Giữa tuần dịch tễ 1 tới tuần dịch tễ 49 đã có 4.192.479 ca được báo cáo, với tỷ lệ mắc bệnh là 421 ca trên 100.000 dân. Số ca bệnh cao nhất được ghi nhận ở Brazil là 2.909.404 ca, Peru với 271.279 ca và Mexico với 244.511 ca.

Sức khỏe tâm thần cũng là một trong những chủ đề được thảo luận và quan tâm sâu sắc trong cộng đồng y tế toàn cầu bởi nó có tác động đến các mặt tâm lý, cảm xúc, xã hội và thể chất của mỗi người. Hiện nay, xung đột vũ trang đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần của hàng triệu người dân trên thế giới. Ở Gaza, Bờ Tây, Sudan, Syria, Ukriane và các quốc gia khác, người dân đang phải hứng chịu những hậu quả tâm lý và nỗi đau do chiến tranh, xung đột kéo dài và di tản hàng loạt.

Chiến tranh và xung đột gây ra những hậu quả tàn khốc, những vết thương thể xác, khó khăn, thiếu thốn về vật chất, mất tự do, đau khổ về tinh thần, đặc biệt là nhóm những người yếu thế như trẻ em. Hàng triệu trẻ em đã thiệt mạng, bị thương, mất người thân hoặc phải di tản do chiến tranh. Những người chịu tác động của xung đột vũ trang có nguy cơ bị tổn thương tâm lý cao gấp 3 lần người bình thường, dễ hình thành chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn lo âu hoặc trầm cảm nặng.

Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em là nhóm người dễ bị tổn thương trước những hậu quả này. Nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng có tới 227 triệu người trưởng thành sống sót sau chiến tranh có thể bị PTSD, 199 triệu người bị trầm cảm nặng và 110 triệu người mắc cả hai vấn đề tâm lý này. 1 trong 6 trẻ em trên toàn thế giới (tương đương hơn 449 triệu trẻ em) đang sống trong khu vực có xung đột vũ trang; cứ 22 trẻ em thì có 1 trẻ bị thương hoặc thiệt mạng mỗi ngày do xung đột vũ trang (số liệu năm 2021).

Các bệnh không truyền nhiễm khác như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, ung thư… cũng đang trở thành những vấn đề sức khỏe toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Điều này phần lớn là do các yếu tố như lối sống không lành mạnh, tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, sự gia tăng của áp lực tâm lý và môi trường lao động căng thẳng. Bất cứ nơi nào trên thế giới, những bệnh này đều gây ra gánh nặng kinh tế và xã hội lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân. Để đối phó, cần có những chính sách và chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng và huyết áp, cải thiện chất lượng dinh dưỡng, đồng thời nâng cao tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế.

Trong bối cảnh của một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và phát triển, việc nâng cao sức khỏe toàn cầu không chỉ là một mục tiêu mà còn là một nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong quá trình này là rất lớn và phức tạp. Từ các bệnh dịch lây nhiễm đến các bệnh không lây nhiễm, từ bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế đến sự phát triển kinh tế không đồng đều, những thách thức này yêu cầu sự hợp tác, nỗ lực và cam kết từ tất cả các bên liên quan, từ chính phủ đến tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu, ngành công nghiệp và cộng đồng dân cư.

Để vượt qua những thách thức này, cần phải có các biện pháp cụ thể và toàn diện, từ việc đầu tư vào hạ tầng y tế cơ bản đến việc thúc đẩy lối sống lành mạnh và công bằng, từ việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở ở các khu vực nông thôn đến việc xây dựng các chính sách quốc gia và quốc tế hỗ trợ cho việc phòng, chống dịch bệnh và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Dù có thách thức nào, việc nâng cao sức khỏe toàn cầu không chỉ là một mục tiêu mà còn là một cam kết đạo đức và nhân văn. Chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để tạo ra một tương lai khỏe mạnh, công bằng và bền vững cho tất cả mọi người trên hành tinh này.

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều