Những loại cây, hoa trồng trong nhà có tác dụng xua đuổi muỗi

Không những làm cảnh, làm thực phẩm, một số loại cây còn có tác dụng đuổi muỗi, góp phần phòng một số dịch bệnh nguy hiểm.

Carmen Johnston, một chuyên gia về thực vật của Mỹ cho biết: "Sả là loại cây đuổi muỗi rất hiệu quả bởi nó có mùi rất cay”. Hoặc bạn có thể sử dụng tinh dầu sả xịt vào các góc phòng trong nhà để tránh muỗi.

 

Hoa xuyến chi: Tuy hoa xuyến chi có mùi khó ngửi nhưng lại vô cùng hữu ích. Cây có thân nhỏ, nhiều lông mềm, cho hoa màu tím hoặc xanh. Nhờ hợp chất coumarin tự nhiên trong loài hoa này mà muỗi không bao giờ đến gần khu vực có hoa. Chính vì vậy, cây hoa này trở thành nguyên liệu hàng đầu trong việc sản xuất các loại kem chống muỗi. Cần lưu ý, khi chà cây này lên da có thể gây kích ứng nên cần cho trẻ tránh xa.

 

Bạc hà là một trong số những loại thảo dược cổ xưa nhất thế giới có khả năng xua đuổi muỗi. Mùi thơm the mát của bạc hà đem lại cảm giác thư thái cho con người nhưng lại là ác mộng với các loài muỗi, kiến, gián, ong... Bạc hà dễ trồng, khi trồng vào những chậu nhỏ để trong nhà chúng không chỉ chống được muỗi mà còn có thể trang trí nhà và trở thành rau gia vị cho việc nấu nướng hàng ngày.

 

Ông Johnston, chuyên gia thực vật học người Mỹ cho biết mùi hương của hoa oải hương khiến muỗi không chịu được. Bạn cũng có thể bôi dầu hoa oải hương lên da để tránh muỗi.

 

Trong những năm gần đây, rất nhiều văn phòng và hộ gia đình chọn trồng cây ngũ gia bì không chỉ để làm cảnh để mang màu xanh vào không gian sinh hoạt mà còn dùng nó như một cách để xua đuổi muỗi. Ngoài ra loại cây này còn có tác dụng chống ô nhiễm, khử khí độc Formaldehyd và cũng là một cây thuốc giúp trị một số căn bệnh mãn tính.

 

Cúc vạn thọ cũng được coi là một trong những loại cây trồng trong nhà khắc tinh với nhiều loại côn trùng gây hại cho con người. Chúng cũng là một loại cây giúp phòng chống và xua đuổi muỗi cũng như các côn trùng khác có thể tấn công rau quả. Tinh dầu trong chúng cũng được dùng để thoa lên vết muỗi cắn để giảm sưng và ngứa.

 

Phong lữ thảo là một loài cây hoa có màu sắc đa dạng từ tím, đỏ, đến vàng... treo ở góc vườn hay đặt trước ban công làm đẹp không gian sống. Ngoài ra cây phong lữ còn chống muỗi hiệu quả do muỗi cực kỳ ghét tinh dầu của cây, vốn mang theo nhiều chất giúp an thần như a-pinene, citronellol, geraniolgeranyl acetate, geranyl butyratelimonene, linalool, menthone và myrcene.

 

Húng quế: Nhà thực vật học người Mỹ Chris Lambton cho hay: "Đó là một loại thảo mộc giúp đuổi muỗi hiệu quả”. Bà cũng cho biết, để húng quế phát triển tốt nhất, phải để nó ở ngoài ánh nắng mặt trời từ 6 tới 8 tiếng mỗi ngày. Đất trồng vừa phải luôn đủ độ ẩm vừa thoát nước tốt để cây không bị úng. Bên cạnh đó, húng quế cũng chữa lành vết muỗi đốt rất nhanh. Bạn chỉ cần bóp nhẹ vài lá húng quế và bôi vào vết muỗi đốt, vết muỗi sẽ hết sưng nhanh chóng.

 

Hoa ngũ sắc có nhiều màu sắc khác nhau. Trên mỗi cành hoa đều có hai bông hoa với nhiều hoa nhỏ li ti nằm sóng đôi nhau nên dân gian thường gọi là hoa tỉ muội. Mùi hăng hắc của cây hoa này cũng gần giống hoa vạn thọ và nhờ đó chúng giúp xua đuổi muỗi trong vườn nhà.

 

Cây tùng thơm là cây thân bụi, lá kim, được dùng để làm cảnh trong nhiều gia đình và văn phòng. Toàn thân cây tùng thơm toát ra một mùi chanh thơm nhẹ rất dễ chịu, giúp tinh thần phấn chấn và thư thái hơn. Tuy nhiên mùi thơm này của cây lại khiến loài muỗi không bao giờ dám đến gần.

 

Cây húng chanh ngoài việc trở thành một loại thảo dược trị một số bệnh về đường hô hấp, còn có tác dụng đuổi muỗi nhờ tinh dầu của nó tiết ra khiến các loài này tránh xa. Húng chanh rất khỏe mạnh, dễ trồng và phát triển tốt ngay cả trong bóng râm.

 

Cây hương thảo: Loại cây có nguồn gốc từ các nước châu Âu này có tác dụng chống muỗi rất hiệu quả. Nếu trồng chậu cây hương thảo trong nhà, bạn cũng có thể an tâm vì muỗi không dám “bén mảng” đến vì rất sợ mùi hương từ loại cây này. Bạn cũng có thể sấy khô hương thảo cho vào túi thơm hoặc đun lá trong nồi nước để chống muỗi vào mùa lạnh.

 

Cây bắt mồi – cây nắp ấm: Loài cây nhiệt đới, cây nắp ấm vốn rất ưa bắt các loại côn trùng làm thức ăn. Cây có hình trụ, khi non có lông và màu xanh nhạt, khi già nhẵn và có màu nâu. Sở dĩ cây có thể bắt được côn trùng vì nó có những cuống lá dài, có vòng xoắn là các bình to chứa côn trùng sau khi nắp bình có dạng hình trái xoan bắt được chúng.

Theo VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều