|
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
|
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 23/11, thành phố có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1, DENV2, DENV4.
Hiện đang là thời gian cao điểm của sốt xuất huyết tại Hà Nội. Dự báo, dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12 tới.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở chỉ đạo tất cả bệnh viện chuẩn độ bệnh nhân khi vào nhập viện và tiếp nhận người bệnh kịp thời. Đồng thời, các bệnh viện phân bệnh nhân theo mức độ nặng, nhẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có biện pháp điều trị kịp thời, giảm tỷ lệ chuyển nặng, tử vong. Các bệnh viện tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác điều trị, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, đặc biệt là dịch truyền và máu phục vụ điều trị bệnh nhân kịp thời nhất.
Việc phân tuyến được các bệnh viện triển khai nhằm tiếp nhận khám, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh. Những bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo sẽ được các bệnh viện theo dõi và điều trị chặt chẽ. Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được phân tuyến, hướng dẫn về theo dõi tại nhà, có thể liên hệ với Trạm Y tế để phối hợp theo dõi.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tổ chức thu dung, phân loại, điều trị cũng như điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, sàng lọc đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phân luồng điều trị cho 150 - 180 người bệnh. Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Thường cho biết, Bệnh viện bố trí 200 giường để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, đủ khả năng tiếp nhận người bệnh.
Bệnh viện thực hiện phân luồng điều trị, trong đó, Khoa Truyền nhiễm có trách nhiệm điều trị bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo. Những bệnh nhân có chỉ định nhập viện nhưng chưa có dấu hiệu cảnh báo, chưa nguy kịch sẽ nằm ở các khoa thường.
Mới đây, ngày 21/11, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã điều trị cho 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết. Các bệnh nhi lần lượt là bé trai 16 ngày tuổi, hai bé gái 4 ngày tuổi và 7 ngày tuổi. Theo bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới. Vì vậy, đặc điểm diễn biến bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót.
Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga khuyến cáo đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ: Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, một số trường hợp rất hiếm lây từ mẹ sang con và vẫn cần theo dõi thêm để nghiên cứu sâu hơn. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, bọ gậy. Người dân phòng, chống muỗi bằng cách đậy kín tất cả vật dụng chứa nước, thay rửa nơi chứa nước hàng tuần, vệ sinh định kỳ môi trường sống xung quanh. Mẹ và bé cần mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ngày và đêm, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi nguồn gốc tự nhiên...
Cùng với biện pháp tích cực từ ngành Y tế, để khống chế sốt xuất huyết, các địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa trong triển khai thường xuyên tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành. Người bệnh đột ngột sốt cao, đau đầu cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng và tử vong.
Theo Tuyết Mai (TTXVN/Báo Tin tức)