Rối loạn do thiếu i ốt có dấu hiệu quay trở lại (ảnh minh họa)
Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), chương trình phòng chống rối loạn thiếu i ốt được tiến hành giai đoạn 1994 - 2005 của Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Hơn 90% các hộ gia đình được sử dụng muối i ốt đầy đủ, giúp giảm tỷ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em và tăng tỉ ệ i ốt trong cơ thể người Việt Nam trên mức tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, kể từ khi Chương trình Quốc gia Phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt bị rút khỏi Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế vào năm 2005 cho đến nay, việc thúc đẩy và hỗ trợ pháp lý cho việc tăng cường i ốt, cũng như các hoạt động liên quan ngừng lại, khiến sự thiếu hụt i ốt trở lại. Hiện Việt Nam đang nằm trong số 19 quốc gia có tình trạng thiếu i ốt tồi tệ nhất. Theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, năm 2013- 2014, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi là 9,8%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ khoảng 60%. Ước tính thực phẩm chế biến cung cấp khoảng 75% tổng lượng muối ăn vào, trong đó, chỉ 15% tổng lượng muối ăn vào là thông qua muối ăn trực tiếp. Vì vậy, ở những quốc gia mà muối i ốt không được sử dụng trong thực phẩm chế biến, sự chuyển đổi cách tiêu thụ hiện tại có thể làm giảm lượng muối i ốt vào.
Để hạn chế tình trạng này, người dân nên bổ sung i ốt vào thực phẩm ăn hàng ngày bởi thiếu i ốt gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe. Ông Friday Nwaigwe, Trưởng phòng Vì sự sống còn và Phát triển trẻ em (UNICEF) thông tin, thiếu i ốt là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, làm giảm kết quả học tập, năng suất lao động, gây nhiều thiệt hại đến nền kinh tế đất nước. Phụ nữ mang thai bị thiếu i ốt dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết. Trẻ nhỏ bị thiếu i ốt sẽ tăng nguy cơ chậm phát triển về trí tuệ, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng. Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường i ốt như là chiến lược hiệu quả và an toàn để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu i ốt gây ra. Đã có các chứng cứ khoa học trên toàn cầu về việc sử dụng muối i ốt trong chế biến thực phẩm không gây ra các tác động bất lợi nào tới màu, mùi và vị của thành phẩm. WHO cũng đề nghị bổ sung vi chất vào bột mì khi đa số dân trong một quốc gia thường xuyên tiêu thụ bột mì được chế biến công nghiệp. Do đó, số nước có quy định bắt buộc bổ sung vi chất vào muối, bột mì và dầu ăn lần lượt là 108, 85 và 29. Đặc biệt, trong 108 quốc gia đang bắt buộc bổ sung i ốt vào muối ăn, có 98 quốc gia yêu cầu dùng muối đã bổ sung i ốt cho thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, có lưu ý là việc bổ sung quá nhiều i ốt cho cơ thể cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt là tuyến giáp.
Theo Hoàng Anh/Báo hiểm xã hội Việt Nam