Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội - Chặng đường 40 năm lan toả tình người

(Mặt trận) - Ngày 13/5/2024 Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội chính thức kỷ niệm 40 thành lập (15/5/1984- 15/5/2024). Với hành trình dài cùng nhiều tên gọi, nhiệm vụ qua từng thời kỳ nhưng điều đọng lại với các cán bộ và người lao động công tác tại Trung tâm chính là sự lan toả tình người, miệt mài cống hiến, gắn bó với người bệnh, người khó khăn, yếu thế.

Những mốc son đáng nhớ

Cách đây 58 năm, ngày 27/8/1966, Ủy ban Hành chính (nay là Ủy ban nhân dân) tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 1376-TCDC/QĐ thành lập Trại cứu tế xã hội tỉnh Hà Tây, có trụ sở chính tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Nhiệm vụ chính của Trại là tập hợp, nuôi dưỡng những đồng bào già nua, tàn tật, mất sức lao động, trẻ mồ côi không nơi nương tựa sống lang thang tại địa phương.

Hoạt động thể thao nâng cao sức khoẻ người bệnh.

Từ thời điểm năm 1966 đến nay, Trung tâm đã nhiều lần đổi tên, cùng với đó là những chức năng, nhiệm vụ mới.

Dấu ấn đáng nhớ tiếp theo là thời điểm tháng 5/1984, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ/TC thành lập Trại nuôi dưỡng người tâm thần trên cơ sở tách một phần diện tích đất đai, cơ sở vật chất, nhân lực của Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội.

Đến giờ, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên gắn bó với Trung tâm những ngày đầu còn nhớ như in hình ảnh Trại nuôi dưỡng người tâm thần ngày ấy chỉ là một cơ sở bảo trợ xã hội nhỏ với 12 cán bộ, quản lý 90 đối tượng tâm thần. Điều kiện sống, làm việc, sinh hoạt của cán bộ và đối tượng còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, chi bộ và các đoàn thể Công đoàn, Đoàn Thanh niên còn sinh hoạt chung với Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội và Trung tâm Bảo trợ xã hội IV (nay là Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội).

Đồng lương eo hẹp, chế độ chính sách chưa hoàn chỉnh, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nên các cán bộ nơi đây phải vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải ra sức chăn nuôi, trồng trọt để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho bản thân và chăm lo cho đối tượng.

Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ người bệnh.

Để phù hợp với nhiệm vụ mới, ngày 01/7/1989, Trại nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội được đổi tên thành Khu điều dưỡng tâm thần Hà Nội, theo Quyết định số 2718/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội.

Năm 2014, xuất phát từ thực tiễn, Sở Lao động- Thương binh và xã hội Hà Nội đã tập trung nghiên cứu và xin ý kiến của các ngành để xây dựng Đề án “Đổi tên, xác định lại chức năng nhiệm vụ và sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy Khu điều dưỡng tâm thần Hà Nội”.

Ngày 31/12/2014, Khu điều dưỡng tâm thần chính thức được đổi tên thành Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội với chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật; tổ chức nuôi dưỡng, dạy văn hóa cho trẻ em kém phát triển về trí tuệ từ 6-18 tuổi đi lang thang, được thu gom chuyển đến.

Những cuộc thi đầy ý nghĩa giúp nâng cao đời sống tinh thân cho bệnh nhân.

Bước sang năm 2021, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5188/QĐUBND ngày 09/12/2021 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Để từng bước đổi mới, đảm bảo bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm.

Ngày 07/7/2022, Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội được đổi tên thành Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội theo Quyết định số 2391/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Cán bộ cùng người bệnh tăng gia sản xuất, nuôi cá, gà, đà điểu… cải thiện bữa ăn.

Bước ngoặt đầy ý nghĩa

Theo ông Nguyễn Đức Phong, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Trung tâm: “Tên gọi mới đã xác định lại chức năng nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm. Đây là sự kiện, bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của đơn vị và cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của tập thể cán bộ viên chức và nhân viên của Trung tâm. Từ đó giúp tập thể tích cực nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Với tên gọi và chức năng hoạt động mới đã tạo điều kiện để Trung tâm, giúp người yếu thế và gia đình họ được tiếp cận và sử dụng dịch vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội”.

Những buổi biểu diễn văn nghệ luôn thu hút được sự quan tâm của cán bộ trung tâm và người bệnh.

40 năm qua, Trung tâm luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao trong việc tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng và điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần mãn tính của TP Hà Nội. Trong công tác chuyên môn đã quản lý tốt các bệnh nhân tâm thần, theo dõi sát người bệnh, điều trị thường xuyên và xử lý kịp thời những bệnh lý bất thường, bệnh nặng. Chăm sóc tận tình chu đáo cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân ốm yếu, sa sút. Chú trọng công tác nuôi dưỡng, đảm bảo đầy đủ khẩu phần ăn tới từng người bệnh. Từ đó chất lượng nuôi dưỡng, điều trị bệnh nhân đã được nâng cao theo hướng giảm tỷ lệ bệnh nhân yếu, sa sút, tăng tỷ lệ bệnh nhân ổn định.

Trung tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, tinh thần phục vụ người bệnh đầy tình thương và trách nhiệm.

Hiện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội có 04 đơn vị đảm nhận chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần với hơn 1.500 đối tượng, riêng Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội đã quản lý thường xuyên gần 700 người, đi kèm với đó là đội ngũ hơn 200 cán bộ cùng nhiều phòng ban chuyên môn và cơ ngơi rộng rãi, máy móc hiện đại.

Thành tích nổi bật của Trung tâm qua các thời kỳ.

Với những nỗ lực cố gắng của mình, Trung tâm đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Ba; 04 lần được tặng Cờ thi đua xuất sắc; 15 lần được các Bộ, ngành Trung ương và UBND TP tặng Bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Khắc Hạnh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều