Ảnh minh họa.
Sáng 24/10, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, (Bộ Y tế) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mít tinh phát động các hoạt động truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, với chủ đề: “Hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Lê Cảnh Nhạc cho biết: Dân số Việt Nam hiện nay, khoảng gần 93 triệu người, là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 Châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam tuy xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh.
Tỉ số giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 112,2 bé trai/100 bé gái (năm 2014); Năm 2015, Tỉ số giới tính khi sinh là 112,8/100; năm 2016 tỉ lệ này 112,2/100 bé gái.
Như vậy, Việt Nam đang bị mất cân bằng giới tính khi sinh khá nghiêm trọng. Hậu quả, nam giới sẽ bị dư thừa so với nữ giới trong cùng một thế hệ, họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời; sẽ diễn ra tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân.
Việc thiếu hụt phụ nữ sẽ tạo ra những hậu quả không nhỏ về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, các em gái gặp các nguy cơ phải kết hôn sớm, hoặc nam giới đến độ tuổi không tìm được phụ nữ để kết hôn. Di cư trong nước và quốc tế nhằm mục đích kết hôn cũng có thể gia tăng, dẫn đến nhiều bất ổn cho xã hội.
Nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, những biện pháp can thiệp kịp thời và tích cực, dự tính đến năm 2040 - 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được phụ nữ để kết hôn, dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng khác đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Nguyên nhân chính của vấn đề này là do hệ tư tưởng Á Đông, trọng nam khinh nữ, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thừa kế tài sản. Tư tưởng lạc hậu này ảnh hưởng nghiêm trọng đối với xã hội và chống lại vấn đề bình đẳng giới.
Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề cấp bách, quan trọng, yêu cầu sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân.
Tổng cục DS-KHHGĐ đề nghị Sở Y tế, chi cục Dân số-KHHGĐ các tỉnh/thành phố tăng cường công tác phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, mỗi cộng đồng và mỗi người dân, đẩy mạnh việc thực thi và giám sát thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh;
Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, vận động thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh một cách bền vững, đặc biệt chú trọng địa bàn cơ sở nhất là đối với các địa phương còn có tỉ số giới tính cao và chú trọng hơn nữa đến đối tượng vận động là nam giới và người cao tuổi.
Theo Thái Dương/Báo Lao động