Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo "hoàn toàn đúng đắn" của Đảng Cộng sản
Bài phát biểu của ông Tập nhấn mạnh đến vai trò của Đảng Cộng Sản như là một người thiết kế và bảo vệ sự ổn định và thịnh vượng của Trung Quốc.
Thông điệp này thường được ông Tập nhắc tới, cũng giống như những người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào khi các nhà lãnh đạo này đều dành nhiều lời khen ngợi về sự lãnh đạo của Đảng trong các bài phát biểu kỷ niệm 20 năm và 30 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa. Dù vậy, những phát biểu này của ông Tập dường như vẫn thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư hy vọng về một thông điệp ôn hòa hơn của Trung Quốc.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “Không ai có quyền ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc nên làm gì và không nên làm gì”. Ảnh: Getty
|
Tổng kết lại những bài học trong 4 thập kỷ đổi mới của Trung Quốc, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc cần kiên trì sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, không ngừng tăng cường và cải thiện năng lực lãnh đạo của Đảng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định các chính sách, học thuyết và con đường xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản trong 40 năm qua là "hoàn toàn đúng đắn".
“Trung Quốc không bao giờ là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào”
Ông Tập Cận Bình chỉ gián tiếp nhắc tới vấn đề "nhạy cảm" đang gây chú ý hiện nay. Đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, và những sức ép của mối quan hệ căng thẳng này với nền kinh tế Trung Quốc.
"Không ai có quyền ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc nên làm gì và không nên làm gì", khẳng định này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là gián tiếp ám chỉ đến các đòi hỏi của Washington trong việc thay đổi chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Dù có đề cập đến những căng thẳng trong vấn đề Đài Loan nhưng ông Tập cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn thúc đẩy hòa bình, ủng hộ sự phát triển của quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế trong việc định hình và duy trì trật tự thế giới ngày nay.
"Sự phát triển của Trung Quốc sẽ không bao giờ là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào. Dù có phát triển đến mức độ nào thì Trung Quốc cũng không bao giờ theo đuổi chủ nghĩa bá quyền", ông Tập tuyên bố.
Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin
Trong bối cảnh có ý kiến cho rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc không coi trọng tư tưởng Cộng sản trong Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi nước này được công nhận là nền kinh tế thị trường, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục bám sát hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời nhấn mạnh đến tư tưởng Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Thông điệp mà ông Tập muốn nhấn mạnh ở đây là quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc trong 40 năm qua không phải một sự chệch hướng khỏi các tư tưởng của Đảng Cộng sản mà là sự thích nghi và điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân
Bài phát biểu của ông Tập đã đem đến nhiều sự mong đợi về sự thay đổi bởi chính phủ Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến các doanh nghiệp tư nhân vốn là động cơ của sự phát triển và đổi mới, nhưng trước đó lại bị cản trở bởi quá nhiều loại thuế, tình trạng quan liêu và các rào cản từ các khoản nợ ngân hàng.
Các nhà kinh tế và các nhà đầu tư từng chỉ trích ông Tập khi Trung Quốc dành quá nhiều sự bảo hộ cho các công ty sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, Jack Ma - tỷ phú sáng lập Alibaba - người khổng lồ về thương mại điện tử đã là một trong 100 người Trung Quốc được ông Tập vinh danh là "người tiên phong" của công cuộc cải cách và mở cửa. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục vừa ủng hộ các doanh nghiệp nhà nước, vừa khuyến khích các công ty tư nhân. Dù vậy, sự ủng hộ với các công ty sở hữu nhà nước vẫn được ưu tiên trước.
"Trên con đường phía trước, chúng ta phải kiên định củng cố và phát triển nền kinh tế sở hữu công", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, đồng thời khẳng định thêm rằng Trung Quốc sẽ "tiếp tục khuyến khích, ủng hộ và định hướng phát triển" đối với các lĩnh vực tư nhân.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (New York Times)