Ảnh minh họa.
Không quá bao bọc con
Bất kỳ bà mẹ nào trên thế giới cũng yêu con nhưng cách yêu con của các bà mẹ Do Thái lại rất khác biệt. Họ dành cho con "tình yêu đống lửa" - tức là sự nhen nhóm, khích lệ chứ không phải chỉ là cảm giác an toàn, bao bọc. Yêu thương con với người Do Thái là phải nhìn xa trông rộng, đem lại lợi ích suốt đời cho con, đào tạo đứa trẻ trở thành bản lĩnh, thực sự mạnh mẽ trong đường đời. Để trở nên độc lập, nỗ lực của đứa trẻ phải được thừa nhận và trân trọng. Nếu một đứa trẻ bắt đầu sở thích mới, ở mọi lứa tuổi, bố mẹ nên ủng hộ và khuyến khích chúng. Nếu có điều gì đó không tốt, những người họ hàng lớn tuổi sẽ nói: "Kol haschalot kashot", có nghĩa là "Mọi sự bắt đầu đều rất khó".
Cha mẹ là quân sư của con
Người Do Thái có câu nói nổi tiếng là "Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con". Hàm ý của câu nói này là cha mẹ hãy chỉ hướng dẫn, tư vấn cho con, đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc.
Nguyên tắc 3 không
Người mẹ Do Thái nói rằng "phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm". Bởi vì cha mẹ ẩn giấu 20% tình yêu con để trở nên lý trí, khoa học, nghệ thuật hơn trong cách dạy con. Theo đó, có ba điều mà người mẹ không nên làm với con là: Không thỏa mãn trước; Không thỏa mãn tức thời; Không thỏa mãn quá mức yêu cầu của con.
Rèn chỉ số AQ - chỉ số vượt khó
Ở các trường học người Do Thái, ngay cả trường quý tộc đều luôn đào tạo và rèn luyện cho học sinh biết được khó khăn, thử thách. Có một chỉ số được các vị phụ huynh đánh giá cao ở trẻ là AQ - chỉ số vượt khó. Càng con nhà khá giả càng cần rèn luyện chỉ số này. Công thức cho chỉ số vượt khó AQ của họ là: 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công. (IQ:chỉ số thông minh, EQ: chỉ số cảm xúc). Họ tin rằng điểm số tốt nghĩa là trường học tốt, trường học tốt sẽ có tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt, nhưng công việc tốt khác với người có sự nghiệp thành công.
Dạy con cách đọc sách, yêu sách
Một trong những điều đầu tiên mẹ Do Thái dạy con là đọc sách. Với người Do Thái, không có con đường nào đi đến sự thông thái ngoài sách. Tài sản duy nhất người Do Thái để lại cho con cũng là sách, đó là những lý do hầu hết trẻ con Do Thái đều rất yêu sách và xem đó như những "món ăn ngọt ngào". Cách người Do Thái dạy con cũng rất đặc biệt, bởi theo họ đọc 101 lần sẽ tốt hơn 100 lần. Do vậy trẻ con được dạy đọc sách rất kỹ tuần tự theo các bước sau: đọc lần 1 để hiểu nội dung cuốn sách; lần 2 đọc từng phần để nắm các ý chính; lần 3 đọc để hiểu rõ hơn nội dung; lần 4 đọc để rút ra những gì tinh túy nhất của cuốn sách; lần 5 đọc đi đọc lại nội dung cuốn sách...
Sự tự chủ của trẻ
Trong các gia đình Do Thái, bố mẹ không trừng phạt một đứa trẻ bằng cách lấy đi điều gì đó. Tuy nhiên, họ đưa ra một số nguyên tắc, tạo ra một lợi ích nhất định cho hành động cụ thể. Do đó, trẻ không bị ám ảnh bởi sự hạn chế và các hình phạt nhưng chúng sẽ học cách sửa chữa hành vi vì lợi ích của chính mình.
Bất kỳ thứ gì cũng được chú ý
Cha mẹ Do Thái cho rằng bất kỳ thành tựu nào của trẻ cũng nên được khen thưởng. Ngay cả khi mẹ nhìn thấy những dòng chữ nhằng nhịt được con viết trên chiếc khăn ăn, cô ấy cũng tự hào giới thiệu với cả nhà như một bức tranh.
Luôn đặt câu hỏi cho con
Khi con có bất cứ thắc mắc nào, các bà mẹ Do Thái thay vì cho con câu trả lời sẽ đặt câu hỏi ngược lại. Ví dụ: khi trẻ hỏi khẩu trang dùng để làm gì? Mẹ Do Thái sẽ hỏi: Theo con khẩu trang có những tác dụng gì để bắt buộc trẻ động não suy nghĩ, từ đó hiểu thêm nhiều chức năng khác của khẩu trang đó là: che bụi, che khuyết điểm, giúp giấu mặt...
Dạy con tiếp xúc với tiền từ nhỏ
Một trong những cách dạy con rất hay của người Do Thái khiến cả thế giới phải nể phục nữa là cha mẹ Do Thái dạy con cách kiếm tiền từ rất sớm. Bằng cách nào, đó là thay vì cho con tiền họ dạy con biết cách sử dụng sức lao động của mình để kiếm tiền. Khi đứa trẻ 2 tuổi, ba mẹ sẽ dạy cho con những cách tự phục vụ bản thân. Lên 5 tuổi, cha mẹ bắt đầu giao việc nhà cho trẻ và có trả tiền. Tuy nhiên, ba mẹ Do Thái phân biệt rất rạch ròi những việc nào làm sẽ được trả tiền (tưới cây, dọn dẹp nhà cửa...) và những việc nào trẻ bắt buộc phải làm để phục vụ bản thân (xếp sách vở, tự gấp quần áo của mình...).
Chính cách phân chia hợp lý như vậy đã nâng cao tinh thần nhiệt tình của trẻ, giúp trẻ nhận biết đâu là trách nhiệm và đâu là công việc mình phải làm. Cũng chính vì cách giáo dục con đặc biệt như vậy, nên khi trưởng thành, tỷ lệ thất nghiệp của người Do Thái không biết làm việc nhà cao hơn 15 lần người biết làm việc nhà. Thu nhập bình quân của họ cũng thấp hơn 20% so với người thạo việc gia đình.
Theo Thái Dương/Tạp chí Bảo hiểm xã hội