Bất chấp những lời cảnh báo về nguy cơ Covid-19 có thể lan rộng, hàng chục nghìn người vẫn xuống đường, với mong muốn có được một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.
Người biểu tình tập trung tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington ngày 6/6. Ảnh: Reuters.
Thủ đô Washington của Mỹ là khu vực có số lượng người biểu tình lớn nhất, kể từ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Hàng chục nghìn người biểu tình, đủ mọi lứa tuổi, màu da và tầng lớp, đã coi đây như khoảnh khắc lịch sử, để thay đổi, để có một tương lai “đáng sống” hơn cho tất cả mọi người:
“Tôi đến đây, để đấu tranh cho những người da màu, cho các con tôi và tất cả các thế hệ trong tương lai”.
“Thật tuyệt. Cảm giác của tôi giờ đây như trở thành một phần của lịch sử, là một phần của nhóm người đang cố gắng thay đổi thế giới vì mọi người”.
Hòa trong dòng người ấy có cả nữ Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser - người đã tỏ rõ sự bất đồng với Tổng thống Mỹ về việc tăng cường sự hiện diện của quân đội ở thủ đô, chống lại người biểu tình.
Còn tại thành phố Dallas thuộc bang Texas, hàng trăm người đã có mặt tại một buổi lễ ở nhà thờ để nguyện cầu hòa bình và đoàn kết. Tham gia buổi lễ còn có Thị trưởng Eric Johnson và nhiều quan chức cấp cao. Theo giới chức Dallas, lệnh giới nghiêm tại thành phố này được áp đặt trong những ngày qua đã được dỡ bỏ.
Làn sóng biểu tình sau cái chết của công dân Mỹ George Floyd cũng tiếp tục lan rộng tại các nước như Anh, Đức, Pháp, Ireland, Cộng hòa Séc và Tunisia trong những ngày cuối tuần.
Ngày 6/6, hàng nghìn người đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Dublin của Ireland để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và lạm dụng vũ lực của cảnh sát Mỹ. Người biểu tình đã quỳ gối xuống đường để bày tỏ sự bất bình và yêu cầu một sự thay đổi mang tính hệ thống trước nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
Tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp, hàng chục nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành để tưởng nhớ công dân Mỹ George Floyd. Bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, những người biểu tình vẫn xuống đường ở các khu vực gần Tháp Eiffel. Theo ước tính của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 23.300 người đã tham gia các cuộc tuần hành trên cả nước, trong đó riêng tại Paris là 5.500 người.
Tại thành phố Hamburg của Đức, cảnh sát đã phải sử dụng bình xịt hơi cay nhằm vào người biểu tình, đồng thời tuyên bố sẵn sàng triển khai vòi rồng khi làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc biến thành bạo động. Cảnh sát cho biết, hàng trăm người quá khích đã gây áp lực cho các sỹ quan cảnh sát tại trung tâm thành phố, đồng thời cảnh báo các hành động tấn công nhằm cảnh sát sẽ đối mặt với hành động đáp trả thích đáng.
Trong khi, các cuộc biểu tình tại London, Anh phần lớn diễn ra ôn hòa hơn. Tuy nhiên đã có một nhóm biểu tình quá khích đã ném chai lọ vào cảnh sát, buộc lực lượng này có hành động tự vệ và đẩy lui.
Tại các nước châu Âu khác, nhiều nhóm người đã tập trung trước Đại sứ quán Mỹ để phản đối nạn phân biệt chủng tộc.
Các Đảng chính trị và các tổ chức phi chính phủ tại Tunisia cũng đã tổ chức biểu tình để phản đối chính sách phân biệt đối xử và bạo lực ở Mỹ. Một số cộng đồng từ các quốc gia châu Phi đang sinh sống ở Tunisia cũng đã tham gia cuộc tuần hành này. Trong khi đó, hàng chục nghìn người Australia cũng vẫn xuống đường biểu tình, bất chấp lời kêu gọi mới đây về việc “tìm giải pháp tốt hơn” của Thủ tướng Scott Morrison./.
Theo Đình Nam/VOV1 (Tổng hợp)