|
Biển chỉ dẫn về một điểm xét nghiệm COVID-19 tại san bây Heathrow, Anh. Ảnh: AFP |
Vào thời điểm này năm ngoái, vaccine mang lại hy vọng rằng đại dịch COVID-19 sẽ sớm kết thúc. Thế nhưng hiện nay, biến thể Omicron đã đem đến những thách thức mới, trong đó có gây quá tải hệ thống y tế, ngay cả khi biến thể này ít gây bệnh nghiêm trọng so với biến thể Delta như lời nhiều nhà khoa học khẳng định.
Nhu cầu sử dụng bộ xét nghiệm tăng vọt đã siết chặt nguồn cung. Tuần trước, những đoàn người xếp thành hàng dài trước cửa các hiệu thuốc ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để mua bộ xét nghiệm. Cảnh tượng này đã xuất hiện phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu sau khi biến thể Omicron đẩy mạnh số ca lây nhiễm mới. Madrid, nơi giới chức địa phương đặt yếu tố du lịch làm ưu tiên hàng đầu, đang chọn cách tăng cường xét nghiệm và không giới hạn các hoạt động xã hội.
Nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tăng mạnh đã dẫn đến những thay đổi tại Anh và Italy. Cơ quan An toàn Y tế Anh (UKHSA) thông báo đã bổ sung thêm 100.000 lượt đặt xét nghiệm PRC mỗi ngày kể từ giữa tháng 12/2021, nâng gấp đôi năng suất xét nghiệm cả PCR và LFD mỗi ngày lên 900.000 lượt.
UKHSA ngày 5/1 cho biết những người dân Anh có kết quả xét nghiệm nhanh LFD dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ không cần kiểm tra lại bằng xét nghiệm PCR nếu như họ không có triệu chứng của bệnh.
Theo số liệu chính thức, nước Anh đã ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 cao kỷ lục vào tuần lễ cuối tháng 12/2021 khi cứ 15 người thì có 1 người mắc mới.
“Trong khi số ca còn tiếp tục tăng lên, xét nghiệm nhanh có đủ độ tin cậy để kết luận một người nhiễm virus hay không mà không cần làm PCR xác nhận lại”, Tiến sĩ Jenny Harries, Giám đốc UKHSA nhấn mạnh.
Các xét nghiệm PCR được xử lý trong phòng thí nghiệm và dùng để xác định một người bị nhiễm biến thể nào của SARS-CoV-2, trong khi LFD có thể được sử dụng ngay tại nhà và cho kết quả trong vòng nửa giờ.
Các nhà virus học và giới chuyên gia đánh giá động thái điều chỉnh xét nghiệm của UKHSA là hợp lý, dựa trên tình hình lây nhiễm cực cao như hiện nay, để nhanh chóng tìm ra đối tượng cần phải cách ly y tế. Theo ông John Edmunds, Giáo sư mô hình toán học về các bệnh lây nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, bước xét nghiệm lại bằng PCR không chỉ tốn kém thời gian, tiền bạc mà còn phí phạm các nguồn lực của phòng thí nghiệm. Tuy vậy, cách tiếp cận này sẽ khiến các quan chức bị hạn chế dữ liệu về sự lây nhiễm của các biến thể khác nhau, khi PCR có thể được dùng để giải trình tự gien.
|
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân làm xét nghiệm tại một trạm lưu động ở Tel Aviv ngày 4/1. Ảnh: Vũ Hội - P/v TTXVN tại Israel |
Khi hàng loạt quốc gia trên thế giới chứng kiến sự tăng vọt về tỷ lệ lây nhiễm, Israel đã thay đổi chính sách về xét nghiệm và cách ly nhằm tiết kiệm các nguồn tài nguyên cũng như đảm bảo sự bảo vệ cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Bộ Y tế Israel cho biết các xét nghiệm PCR sẽ dành riêng cho những người từ 60 tuổi trở lên hoặc có hệ miễn dịch kém, trong khi những người có nguy cơ thấp hơn sẽ được xét nghiệm kháng nguyên.
"Đây là bước thay đổi quan trọng nhằm xác định sớm hơn các đối tượng có nguy cơ để can thiệp và ngăn ngừa bệnh nặng", người phụ trách cơ quan y tế Israel, ông Nachman Ash trả lời họp báo.
Cho đến nay, những người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 đã được yêu cầu làm xét nghiệm chính thức. Nếu phát hiện dương tính, họ cần tuân thủ các quy định về cách ly y tế.
Tại Mỹ, ngày 3/1, quốc gia này ghi nhận gần 1 triệu ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, đồng thời gần gấp đôi mức đỉnh của Mỹ một tuần trước đó.
|
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 5/1. Ảnh: THX/TTXVN |
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 4/1 tiếp tục ủng hộ biện pháp rút ngắn thời gian tự cách ly của bệnh nhân COVID-19 từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. CDC cho hay người bệnh có thể làm xét nghiệm kháng nguyên nếu muốn, song không bắt buộc. Cơ quan này đang chịu sức ép từ các chuyên gia y tế cho rằng cần bắt buộc bệnh nhân làm xét nghiệm sau khi đã cắt ngắn một nửa gian cách ly.
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh cũng rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người dương tính virus SARS-CoV-2, do lo ngại cách ly kéo dài có thể làm tê liệt nền kinh tế của họ.
Ireland sẽ bãi bỏ yêu cầu du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải có giấy xét nghiệm âm tính, song sẽ quay lại quy định xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng hoặc vừa khỏi bệnh trước khi nhập cảnh.
Tại Pháp, một người phát ngôn của chính phủ ngày 5/1 cho hay làn sóng lây nhiễm “tốc độ siêu thanh” sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới và chưa có dấu hiệu đảo ngược.
Theo thống kê mới nhất của Reuters, toàn cầu có gần 294 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu và hơn 5,8 triệu người trong số đó đã tử vong. Kể từ khi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 12/2019, virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức