|
Cây thân gỗ vermelho angelim, cây cao nhất được tìm thấy trong rừng nhiệt đới Amazon, tại khu vực sông Jari, miền Bắc Brazil, ngày 17/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cây thân gỗ vermelho angelim (tên khoa học là Dinizia excelsa) nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Iratapuru ở miền Bắc Brazil. Cây cao 88,5m chu vi thân 9,9m và là cây lớn nhất từng được phát hiện ở Amazon.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện cây khổng lồ này qua các hình ảnh vệ tinh thu được vào năm 2019 khi thực hiện dự án lập bản đồ 3 chiều (3D). Một nhóm gồm các học giả, nhà môi trường và hướng dẫn viên địa phương đã tổ chức chuyến thám hiểm để tiếp cận cây này vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, thiếu vật tư và tình hình sức khỏe của một số thành viên, đoàn thám hiểm đã phải quay trở về sau 10 ngày.
Ba chuyến đi sau đó tại khu vực thung lũng Jari xa xôi trong khu bảo tồn, nằm ở ranh giới các bang Amapa và Para, đã đưa các nhà thám hiểm đến được một số cây khổng lồ khác, trong đó có cây cho hạt cao nhất từng được ghi nhận ở Brazil với chiều cao 66m. Phải đến sau chuyến thám hiểm ngày 12-25/9 vượt 250 km sông gập ghềnh hiểm trở bằng thuyền và 20 km đi bộ xuyên rừng, các nhà nghiên cứu mới có thể tiếp cận cây vermelho angelim khổng lồ.
|
Cây thân gỗ vermelho angelim, cây cao nhất được tìm thấy trong rừng nhiệt đới Amazon, tại khu vực sông Jari, miền Bắc Brazil, ngày 17/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau khi cắm trại dưới gốc cây, nhóm nghiên cứu đã thu thập lá cây, đất xung quanh và các mẫu vật khác để phân tích tuổi đời của cây, ước tính ít nhất 400 đến 600 năm. Các nhà nghiên cứu cũng muốn tìm hiểu tại sao khu vực này lại có nhiều cây khổng lồ và những cây này lưu trữ bao nhiêu carbon.
Kỹ sư lâm nghiệp Diego Armando Silva tại Đại học liên bang Amapa cho biết khu vực này có nhiều cây khổng lồ có tổng trọng lượng lên tới 400.000 tấn, khoảng một nửa trong số đó hấp thụ carbon từ khí quyển, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, dù nằm trong khu vực khó tiếp cận, những cây khổng lồ trong khu bảo tồn đang bị đe dọa bởi tình trạng khai thác gỗ và vàng trái phép. Trong 3 năm qua, diện tích rừng bị tàn phá trung bình mỗi năm tại khu vực rừng Amazon của Brazil đã tăng 75% so với thập kỷ trước.
TTXVN