Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel "bắt tay kiểu Covid-19" khi kết thúc họp báo tại Brussels. (Ảnh: Reuters)
Ưu tiên các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch
Sau gần năm ngày tranh luận căng thẳng tại Brussels, rạng sáng 21-7 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận chưa từng có. EU hy vọng, quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro và ngân sách hơn 1.000 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027 sẽ giúp châu Âu vực dậy sau cuộc suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Do là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 tại châu Âu, Italy cũng sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ quỹ phục hồi hậu Covid-19. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, Italy sẽ được nhận 28% của quỹ phục hồi hậu Covid-19 (tương đương 210 tỷ euro). Nước này sẽ được trợ cấp 81 tỷ euro và được vay 127 tỷ euro.
Tây Ban Nha, một trong những điểm nóng về dịch Covid-19, sẽ nhận được 140 tỷ euro, trong đó hơn 72,7 tỷ euro sẽ là khoản tiền EU trợ cấp nước này, và Madrid cần hoàn lại gần 70 tỷ euro cho EU.
EU sẽ hỗ trợ 72 tỷ euro cho Hy Lạp, song chưa rõ tỷ lệ phân bổ đối với khoản tiền này. Pháp sẽ nhận được khoản trợ cấp trị giá 40 tỷ euro. Chính phủ Pháp cho biết sẽ thông báo cụ thể hơn về kế hoạch phục hồi vào ngày 24-8 tới.
Những thông điệp mạnh mẽ
Theo Reuters, thỏa thuận của EU sẽ dọn đường cho Ủy ban châu Âu thay mặt 27 nước thành viên huy động hàng tỷ euro từ các thị trường vốn. Đây là hành động chưa từng có cho thấy tinh thần đoàn kết trong gần bảy thập kỷ hội nhập châu Âu.
Tại cuộc họp báo về kết quả hội nghị thượng đỉnh EU ngày 21-7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, nhiều việc đang đợi khối này ở phía trước. Trên tài khoản Twitter cá nhân, bà Leyen chia sẻ, EU vừa có bước tiến lịch sử và cả khối có thể tự hào về điều đó. Tuy nhiên, bà Leyen lưu ý, vẫn còn nhiều việc quan trọng cần thực hiện, bước đầu tiên và quan trọng nhất là giành được sự ủng hộ của Nghị viện châu Âu.
Phát biểu bên cạnh bà Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, EU đang gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, khối này “vững chắc, mạnh mẽ và đoàn kết. Theo ông Michel, đây là điều vô cùng quan trọng khi đối mặt với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.
Khi được hỏi về nguy cơ nước thành viên và Nghị viện châu Âu phản đối các nội dung của thỏa thuận vừa đạt được, ông Michel cho rằng, các quốc gia và Nghị viện châu Âu cần được tôn trọng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh, ông sẽ phải giải thích lý do hội nghị thượng đỉnh EU đưa ra các quyết định nêu trên. “Với đối thoại liên tục, chúng ta có thể thực hiện những gì chúng ta đã đồng thuận hôm nay”, ông Michel nói.
Sau khi hội nghị thượng đỉnh EU đạt được thỏa thuận chưa từng có, các nhà lãnh đạo EU cũng phát đi những thông điệp mạnh mẽ.
Hoan nghênh kế hoạch phục hồi của EU, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết: “Châu Âu đã cho thấy khối này biết cách ứng phó khi đối mặt với một thách thức lịch sử bằng cách công bố một thỏa thuận lịch sử... Hôm nay, tất cả công dân châu Âu đều là người chiến thắng và EU hiện lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đánh giá, thỏa thuận này sẽ trao cho Italy cơ hội tái khởi động bằng sức mạnh và trao cho chính quyền Rome trách nhiệm thay đổi bộ mặt của đất nước.
Biểu cảm của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte sau khi EU đạt thỏa thuận. (Nguồn: Tài khoản Twitter của Thủ tướng Giuseppe Conte)
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, các diễn biến đặc biệt của đại dịch Covid-19 đòi hỏi cần có các phương pháp mới đặc biệt để giúp các quốc gia phục hồi. “Chúng ta đã đặt nền tảng tài chính cho EU trong bảy năm tới và công bố giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng được cho là lớn nhất mà EU từng đương đầu”, bà Merkel nói.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chia sẻ, ông không nhìn thấy “bất cứ sự thất vọng nào” trong thỏa thuận mới của EU. Ông khẳng định, mối quan hệ giữa Hà Lan và các đối tác châu Âu vẫn mạnh mẽ dù các cuộc đàm phán đã gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảm ơn các nhà lãnh đạo EU đã đạt được “một thỏa thuận tốt đẹp”.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 16 giờ ngày 21-7 (giờ Việt Nam), châu Âu đã ghi nhận gần 2,7 triệu ca mắc và xấp xỉ 200 nghìn ca tử vong do Covid-19. Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp... vẫn nằm trong tốp 10 nước có nhiều ca Covid-19 nhất tại “lục địa già”.
Tuy nhiên, nhìn chung số ca nhiễm mới tại các nước này cũng như các thành viên khác của EU đã giảm đáng kể, tạo điều kiện để EU mở cửa trở lại nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo HOÀNG HÀ/Báo Nhân dân