Ra đời trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở thành vấn đề cấp bách, Nghị định thư Kyoto đã có hiệu lực, 15 năm qua, Cục Biến đổi khí hậu đã khẳng định được vị trí, vai trò trong dòng chảy hội nhập, với những dấu ấn quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường nhấn mạnh suốt 1,5 thập kỷ qua, Việt Nam đã tham gia sâu, đóng góp thực chất vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định công tác quản lý về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone.

Tăng cường hội nhập, giải quyết thách thức

- Đầu tiên, xin ông cho biết những dấu ấn nổi bật trong hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (nay là Cục Biến đổi khí hậu) nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong giai đoạn từ năm 2008-2013, công tác quản lý khí tượng thủy văn được thiết lập thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo nền tảng cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Cục đã triển khai xây dựng đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010-2012; quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển; quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

 

Bên cạnh đó, cục đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng dân cư hiểu rõ về nguyên nhân, tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và an sinh xã hội; đặc biệt là các giải pháp pháp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường năng lực thích ứng.

Giai đoạn từ năm 2013-2017, Việt Nam tiếp tục đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ của mình vào nỗ lực toàn cầu để giải quyết thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra. Cùng với việc thông qua Thỏa thuận Paris tại COP21, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định, thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cục đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris, ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, đã tiếp tục khẳng định khẳng định vai trò, vị thế quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

Thông qua những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức về tính cấp thiết, sự sống còn trong ứng phó với biến đổi khí hậu của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã được nâng lên rõ rệt. Ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành trách nhiệm của mỗi người dân, thu hút sự tham gia vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.

Từ năm 2017 đến nay, Cục Biến đổi khí hậu đã tạo những dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, đóng góp tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước có những quyết sách mang tầm chiến lược, qua đó giúp Việt Nam có nhiều đóng góp thực chất vào nỗ lực chung toàn cầu.

Công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu đã được thể chế toàn diện hơn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đã bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone; tổ chức và phát triển thị trường carbon; quy định rõ về kiểm kê khí nhà kính; lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch; cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu; việc thực hiện các cam kết quốc tế. Các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cùng 147 quốc gia chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Sau hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện cam kết tại COP26, ban hành các chiến lược, quyết sách quan trọng và đang được triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27. (Nguồn ảnh: Cục BĐKH)

Đó là những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh hội nhập của đất nước với quốc tế về biến đổi khí hậu, qua đó khẳng định vị thế, mang lại cho Việt Nam những lợi ích “kép” từ cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính xanh; thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tham gia sâu vào nỗ lực chung của toàn cầu

- Hiện nay, biến đổi khí hậu vẫn đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Vậy để giảm thiểu các rủi ro, thiệt hại có thể gây ra bởi thiên tai, khí hậu cực đoạn, Cục Biến đổi khí hậu đã tham gia thế nào vào “cuộc chiến lớn” chống biến đổi khí hậu này?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và ở nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, với những cơ hội từ việc Việt Nam đã và đang tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu.

Cục đã tham mưu cho bộ để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung quan trọng, cập nhật những xu thế mới của quốc tế và định hướng rõ các vấn đề cấp bách, ưu tiên gắn với việc thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết của Việt Nam tại COP26, như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.

Thông qua các hoạt động đàm phán, hợp tác quốc tế, nhiều đối tác, tổ chức quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và cho rằng Việt Nam đang trở thành hình mẫu của một quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu đã, đang có những nỗ lực vượt bậc, đóng góp vào mục tiêu chung của toàn cầu.

- Thực tế tại Việt Nam, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân đã thay đổi thế nào, từ những chính sách đặc biệt quan trọng trên?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Đến nay, hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris đồng thời tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26.

Các địa phương cũng chủ động đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định pháp luật.

Khối doanh nghiệp cũng đã thực sự quan tâm đến biến đổi khí hậu, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, để hướng tới việc đạt mục tiêu phát thải ròng về “0.”

Đặc biệt, trong thời gian qua, cộng đồng, người dân cũng đã nhận thức khá đầy đủ về biến đổi khí hậu, có nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai như các mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng, thích ứng dựa trên hệ sinh thái và các mô hình thích ứng thông minh.

Có thể thấy biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những trọng tâm, nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong các chủ trương, quyết sách phát triển đất nước với vai trò vừa là mục tiêu vừa là động lực dẫn dắt.

- Với vai trò là người đứng đầu Cục Biến đổi khí hậu, ông có thể chia sẻ về lộ trình cũng như nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Về dài hạn, công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu đang có xu hướng chuyển dịch tích cực, mang lại những kỳ vọng mới.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khi biến đổi khí hậu vẫn còn diễn biến phức tạp, các nỗ lực ứng phó toàn cầu mới chỉ mở ra những kỳ vọng, do đó vẫn cần tiếp tục chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Vì thế, Cục đang đứng trước những cơ hội, song cũng rất nhiều thách thức, cần chủ động tham mưu tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến toàn cầu và khu vực về biến đổi khí hậu để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải.

Trân trọng cảm ơn ông!