Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin một số người cho rằng qua động thái trên, Trung Quốc thể hiện năng lực tác động được vào quỹ đạo, khả năng tiếp cận gần với các vệ tinh khác. Trong khi đó, Nhật Bản đang chạy đua để thiết lập công nghệ này.
Với các hoạt động thương mại trên vũ trụ ngày càng “sôi động”, lượng rác thải vũ trụ cũng gây rủi ro ngày càng tăng về va chạm. Nhiều thập niên khám phá vũ trụ đã để lại hàng nghìn mảnh thiết bị và vệ tinh không còn hoạt động di chuyển trên Trái Đất với tốc độ 28.163 km/h. Một số có kích thước chỉ bằng viên đá, nhưng có thiết bị lại to bằng cả xe buýt. Các công ty trên khắp thế giới đang tìm cách phát triển công cụ để đưa số rác thải này về Trái Đất, khiến chúng cháy rụi do nhiệt độ cao trong quá trình quay lại này.
Trung Quốc sẽ sớm trở thành quốc gia có nhu cầu dọn dẹp rác thải vũ trụ lớn nhất. Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970 và hướng đến năm 2045 trở thành cường quốc vũ trụ toàn cầu. Tính đến tháng 4, nước này có trên 500 vệ tinh trên quỹ đạo, cùng với việc xây dựng trạm vũ trụ riêng cùng ngành công nghiệp thương mại vũ trụ nở rộ, Trung Quốc nhiều tiềm năng để lại lượng lớn rác thải vũ trụ vượt các quốc gia khác. Đối với việc dọn dẹp rác thải vũ trụ, Trung Quốc ủng hộ hướng dẫn của Liên hợp quốc và Ủy ban điều phối các mảnh vỡ vũ trụ liên cơ quan quốc tế (IADC).
Chưa có quy định về đối tượng phải chịu trách nhiệm trong dọn dẹp rác thải vũ trụ nhưng Nhật Bản dự định đóng vai trò then chốt và nước này đã đẩy mạnh hợp tác cùng Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường năng lực vũ trụ. Chuyên gia Kazuto Suzuki tại Trường Sau đại học Chính sách công thuộc Đại học Tokyo đánh giá: “Đây là cơ hội vàng cho Nhật Bản nhưng thời gian lại không nhiều”.
Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản đã phối hợp cùng một công ty trụ sở tại Tokyo là Astroscale hoàn thành sứ mệnh dọn dẹp rác thải vũ trụ đầu tiên trên thế giới và dự kiến đến năm 2030 thực hiện định kỳ dịch vụ này. Astroscale cũng đang phát triển công nghệ sửa chữa và tái nạp nhiên liệu cho vệ tinh trên quỹ đạo nhằm kéo dài tuổi thọ của thiết bị này.
Bằng việc hợp tác với Astroscale, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tạo tiêu chuẩn cho các nước khác theo chân. Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản bắt đầu quá trình hình thành luật lệ và quy định đối với các thực thể liên quan đến sứ mệnh và nghiên cứu dọn dẹp rác thải vũ trụ. Mục tiêu là khiến điều này minh bạch hơn. Các chuyên gia cũng nhận định điều quan trọng là tránh hình thành nghi vấn giữa các nước cạnh tranh cũng như giảm thiểu nguy cơ xung đột.
Việc xử lý rác thải vũ trụ cần hợp tác và tin tưởng giữa nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước “xả thải” hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc cùng Nga. Nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell tại Trung tâm Thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) đánh giá hợp tác về vấn đề này chỉ hiệu quả nếu các quốc gia sẵn sang đặt lợi ích quốc tế trước quan ngại về quân sự”. Ông cũng nhấn mạnh vấn đề là không có kiểm soát không lưu quốc tế đối với vũ trụ.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức (Nguồn Washington Post)