Từ biểu tình đến nổi dậy
Đại lộ Champs Elysees, Khải Hoàn Môn ở Thủ đô Paris những ngày qua đã hoàn toàn thất thủ khi cảnh sát Pháp phải dùng tới bình xịt hơi cay, lựu đạn khói để giải tán đám đông người biểu tình “Áo vàng” quá khích tìm cách phá các hàng rào an ninh. Ngay trên Khải Hoàn Môn là những dòng chữ như: “Macron từ chức” hay “Áo vàng sẽ chiến thắng”… Hàng trăm người đã bị bắt giữ, hơn 100 người bị thương trong các cuộc biểu tình và bạo động.
Các cuộc biểu tình của phong trào tự phát Áo vàng liên tục diễn ra từ ngày 17/11 ban đầu với yêu sách ngừng tăng thuế nhiên liệu, đã nhanh chóng trở thành cuộc nổi dậy với nhiều yêu sách khác về đời sống của các tầng lớp người dân bị thiệt thòi. Cao điểm của phong trào phản kháng là sự kiện diễn ra hôm thứ 7 vừa qua tại Đại lộ Champs Elysees là màn huy động thứ 3 (acte III) liên tiếp. Cảnh tượng hoang tàn cho thấy nước Pháp đã rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc cách mạng Tháng 5.1968.
Đối thoại với người vô hình
Cho đến nay, mọi nỗ lực đối thoại từ dân biểu, chủ doanh nghiệp, công đoàn, hiệp hội, xã hội dân sự với phe Áo vàng để tìm ra giải pháp dường như đều bế tắc bởi tính chất vô tổ chức, mục tiêu đấu tranh không rõ ràng của phong trào phản kháng này.
Khác với tất cả các phong trào xuống đường trước đây tại Pháp, Áo vàng không phải là một phong trào chính trị hay công đoàn. Không đảng phái nào tại Pháp lãnh đạo được Áo vàng. Cũng như không tổ chức công đoàn nào tại Pháp điều khiển được họ. Những người Áo vàng khước từ việc chính trị hóa hay công đoàn hóa hành động của mình.
Áo vàng không có ban lãnh đạo, không có người phát ngôn, không có cả phương châm hành động. Mọi nỗ lực đối thoại đến nay đều thất bại bởi họ hoàn toàn vô hình. Khi có bất cứ cá nhân hay một nhóm nào đứng ra tự xưng là đại diện cho “Áo vàng” để đối thoại, người đó và nhóm đó lập tức bị đám đông hạ bệ.
Một nước Pháp bị ruồng bỏ
Phe Áo vàng được định nghĩa là những người đói ăn cuối tháng, sống ở nông thôn hoặc trong các thành phố nhỏ. Đó là một tập hợp của những người tạo nên một nước Pháp khác, đang giận dữ vì cảm giác bị bỏ rơi, bị bủa vây bởi đói nghèo và bất công xã hội.
Khi Chính phủ Pháp đưa ra chính sách tăng thuế đánh vào xăng dầu, mà mục đích là để có thêm tiền cho chiến lược dài hơi chuyển đổi sang các ngành năng lượng xanh, họ không ngờ rằng chỉ vài chục xen tăng lên trên mỗi lít nhiên liệu lại đủ để làm tràn cả ly nước giận dữ.
Tại vùng nông thôn hay các thành phố nhỏ tại Pháp, ô tô là lựa chọn di chuyển gần như duy nhất, đặc biệt với những người phải chạy cả trăm kilômét mỗi ngày từ nhà đến nơi làm việc. Thêm vài chục xen giá nhiên liệu là cuối tháng lại thêm vài chục euro phải chi. Với những người chỉ hưởng lương tối thiểu Smic (1.153 euro sau thuế) hay những người hưu trí, đó là cả một vấn đề.
Nghiêm trọng hơn, những người này nhận ra rằng, suốt bao năm qua thuế liên tục tăng, trợ cấp xã hội cắt giảm, sức mua ngày càng kém đi và tiếng nói của họ thì ngày càng bị phớt lờ. Tất cả những bức xúc, giận dữ… đó không phải do vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron tạo ra mà là tích góp bao năm qua từ các đời Tổng thống Chirac, Sarkozy, Hollande. Chỉ có điều, thái độ cứng rắn đến lạnh lùng của hệ thống lãnh đạo từ Tổng thống đến Thủ tướng, đã khiến mọi thứ dần vượt tầm kiểm soát.
Lựa chọn duy nhất
Trong khi đó các đảng phái đối lập lợi dụng tình hình quy trách nhiệm cho chính quyền của Tổng thống Macron. Họ đòi giải tán Quốc hội, trưng cầu dân ý về chính sách hiện hành, thậm chí đòi Thủ tướng từ chức. Tuy nhiên, giải tán Quốc hội sẽ là sự tự sát chính trị của đảng cầm quyền. Trưng cầu dân ý nếu riêng về thuế nhiên liệu thì không đủ, còn về toàn bộ chính sách hiện nay sẽ là sự phủ nhận khả năng lãnh đạo. Cải tổ Nội các chỉ là giải pháp tình thế mà không giúp cứu vớt uy tín của chính phủ.
Lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay của Chính phủ Macron dường như trở nên hẹp. Đối với phong trào Áo vàng, đòi hỏi của họ giờ không chỉ là giảm giá xăng dầu mà đã mở ra những khó khăn, phẫn nộ của đông đảo tầng lớp dân chúng từ bình dân đến trung lưu. Giám đốc Viện Nghiên cứu Lao động Bernard Vivier nhận định: “Chính phủ phải đi xa hơn nữa suy xét về những bất bình xã hội mà những người Áo vàng đã bày tỏ”, nếu không muốn Tháng 5.1968 lặp lại.
Theo Đạt Quốc/Báo Đại biểu Nhân dân