Đầu tư cho giáo dục đem lại những hiệu quả lớn lao (Ảnh: Istock)
Những thách thức trong phát triển giáo dục đối với mỗi quốc gia, châu lục đều có những đặc điểm riêng. Trong một thế giới công nghiệp, chúng ta đang đối mặt với những tác động của sự thay đổi nhân khẩu học, cụ thể là sự thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và sự già hóa dân số. Các quốc gia đang phát triển cần phải đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng trong giáo dục.
Một số thách thức chung mà hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt đó là “tình trạng kế thừa trong giáo dục”. Điều này có thể được hiểu là thành tích giáo dục của mỗi người chủ yếu phụ thuộc vào nền tảng kinh tế xã hội và tình trạng giáo dục của cha mẹ họ. Mặc dù, một số quốc gia cung cấp nhiều cơ hội bình đẳng cho người dân tiếp cận giáo dục hơn các quốc gia khác, nhưng vẫn còn những thách thức trong việc cải thiện hiệu quả của đầu tư giáo dục.
Ngân sách dành cho giáo dục còn hạn chế, nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Việc tăng hay giảm ngân sách cho giáo dục ở một số quốc gia đã mang lại những kết quả khác nhau. Nếu như đầu tư cho giáo dục là một việc quan trọng thì ngân sách hạn hẹp làm hạn chế các nguồn lực. Vậy, các quốc gia châu Á đã đầu tư cho giáo dục như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất?
Trẻ em Nhật Bản được học tập trong một nền giáo dục chất lượng cao (Ảnh: Thejapantimes)
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản đã cam kết mạnh mẽ giáo dục sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nhờ có nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò là nhân tố chính trong sản xuất công nghệ cao, các sản phẩm có giá trị do quốc gia này sản xuất tăng rất cao.
Chìa khóa cho sự thành công của Nhật Bản trong giáo dục là niềm tin mang tính truyền thống rằng tất cả trẻ em đều có thể đạt được thành công trong học tập. Nhật Bản nỗ lực trong việc dành trách nhiệm ra quyết định về giáo dục cho các trường học. Chính quyền địa phương cần đưa ra các chính sách công bằng để thu hút các giáo viên chất lượng cao về giảng dạy.
Nhiều quốc gia đánh giá cao Nhật Bản ở những tiêu chuẩn rõ ràng và đầy tham vọng trong giáo dục. Quốc gia này có hệ thống giảng dạy và thực hành chất lượng cao, các phương pháp tiếp cận học tập hiệu quả.
Nhật Bản là quốc gia có nền giáo dục hàng đầu châu Á, tuy nhiên Chính phủ Nhật Bản không chi tiêu nhiều cho giáo dục. Nhìn vào con số trung bình của tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục so với tổng chi tiêu của chính phủ của các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) là 12,9% thì Nhật Bản xếp ở mức thấp thứ hai là 9,1%, chỉ sau Italy ở mức 8,6%.
Chính phủ Nhật Bản đã thay đổi cách phân phối ngân sách cho các độ tuổi. Nhiều nguồn lực dần được chuyển sang thế hệ trẻ với những kế hoạch cung cấp thêm tài trợ cho giáo dục mầm non. Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe đang xem xét đưa ra kế hoạch giảm chi phí của các hộ gia đình dành cho giáo dục, tương tự như hệ thống HECS-HELP của Australia. Theo chương trình này, sinh viên có quốc tịch Australia có thể mượn tiền từ Chính phủ để trang trải học phí trong những năm học đại học. Khoản vay này tùy thuộc vào các chỉ số và không tính lãi. Các sinh viên bắt đầu trả nợ Chính phủ khi thu nhập của họ vượt qua ngưỡng tối thiểu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang cung cấp các chương trình học bổng đa dạng cho các gia đình có thu nhập thấp nhằm tạo cơ hội giáo dục bình đẳng trên cả nước. Khoản đầu tư trị giá 800 tỷ Yên của Chính phủ Nhật Bản cho phép sinh viên từ các hộ gia đình có thu nhập thấp được hưởng giáo dục miễn phí tại các trường đại học quốc gia. Học phí tại các trường đại học tư, cao đẳng 2 năm và trường dạy nghề cũng sẽ được trợ cấp từ năm 2020. Khoản đầu tư này là một phần trong mục tiêu của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tăng năng suất lao động của Nhật Bản lên 10% trong vòng 4 năm tới. Thủ tướng cũng hứa sẽ trợ cấp chi phí giáo dục từ mẫu giáo đến đại học cho tất cả người dân Nhật Bản.
Các trường tư ở Nhật Bản chiếm 80% số lượng các trường đại học ở quốc gia này và thu học phí lên tới 1,2 triệu Yên hàng năm, học phí đầu vào cao nhất là 300.000 Yên, gấp đôi chi phí theo học một trường đại học quốc gia chất lượng thấp hơn.
Ở cấp mẫu giáo, theo OECD, Nhật Bản là quốc gia có sự bình đẳng giáo dục cao nhất thế giới. Tuy nhiên, ở cấp đại học, những sinh viên có điều kiện tài chính hạn chế có thể phải chọn theo học các trường có chất lượng thấp hơn nhưng chi phí phải chăng hơn, hoặc vay một khoản tiền lớn hơn để trang trải học phí ở các trường tư. Theo chương trình đang được đề xuất thì sinh viên có điều kiện tài chính khó khăn sẽ có cơ hội xin học bổng, trong đó Chính phủ sẽ trả học phí cho họ nếu được các trường đại học chấp thuận. Để giúp sinh viên sau khi ra trường có thể nhanh chóng trả các khoản nợ Chính phủ, Bộ Giáo dục Nhật Bản hỗ trợ họ bắt đầu các dự án khởi nghiệp hay sử dụng kiến thức và kĩ năng từ bậc đại học để tìm được môi trường làm việc tốt.
Quốc gia châu Á khác cũng có sự đầu tư hiệu quả trong giáo dục, mang lại những thành công lớn đó là Hàn Quốc. Trong 4 năm qua, những thành tích của Hàn Quốc đạt được luôn được thế giới đánh giá cao. Năm 2017, tại Cuộc đánh giá 20 nền giáo dục hàng đầu thế giới NJ MED, năm thứ 4 liên tiếp Hàn Quốc đứng vị trí đầu. Mặc dù, Nhật Bản đang tăng hạng và thu hẹp khoảng cách 7 điểm thì có vẻ Hàn Quốc vẫn sẽ đứng vị trí số 1 trong các năm 2018-2022.
Theo báo cáo của OECD, 70% số người Hàn Quốc ở độ tuổi 24-35 đã hoàn thành giáo dục đại học, đây là quốc gia có tỷ lệ cao nhất thế giới. Hàn Quốc có hệ thống trường học chất lượng cao hàng đầu được đo bằng thành tích học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Hàn Quốc luôn được xếp hạng một trong số các quốc gia có thành tích tốt nhất trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA).
Hàn Quốc có một mạng lưới các trường đại học chuyên về nghiên cứu khoa học (Ảnh: Nature)
Ở cấp độ đại học, các trường đại học Hàn Quốc ít có tiếng tăm trên toàn cầu, tuy nhiên, quốc gia này xếp hạng 22 trong số 50 quốc gia trong Bảng xếp hạng hệ thống giáo dục đại học quốc gia năm 2018 bởi một mạng lưới các trường đại học chuyên về nghiên cứu khoa học. Trình độ học vấn cao tại Hàn Quốc đạt được nhờ một nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong vòng 70 năm qua. Cùng với các nền kinh tế lớn khác tại châu Á là Hongkong, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc đã viết nên một câu chuyện thành công trong tăng trưởng kinh tế đáng chú ý nhất thế kỷ 20. Hàn Quốc hiện nay được biết đến là quốc gia công nghệ cao tiên tiến. Trọng tâm đầu tư quan trọng của Chính phủ Hàn Quốc là lĩnh vực giáo dục. Từ những năm 1980, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu đầu tư chiến lược vào phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Các hộ gia đình Hàn Quốc đồng thời dành nhiều nguồn lực cho giáo dục, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 2000, tỷ lệ nhập đại học của Hàn Quốc đã tăng gấp 5 lần. Trình độ học vấn của Hàn Quốc hiện nay có tầm quan trọng trong xã hội và có ảnh hưởng quyết định đến mức thu nhập và vị trí xã hội. Sinh viên tốt nghiệp 3 trường đại học hàng đầu Hàn Quốc thường giữ các vị trí quản lý, cấp cao trong các tập đoàn kinh tế lớn của quốc gia này.
Trong 25 năm qua, Hàn Quốc đã thu được tỷ lệ lợi nhuận rất cao từ đầu tư vào giáo dục, dao động khoảng 10%. Những người trẻ ở Hàn Quốc tin rằng đầu tư tiền vào giáo dục là lựa chọn khôn ngoan hơn gửi vào ngân hàng.
Chính phủ Hàn Quốc thể hiện cam kết nhất quán trong đầu tư vào giáo dục. Bộ Giáo dục hiện được cấp ngân sách 29 tỷ USD, gấp 6 lần so với năm 1990, chiếm 20% chi tiêu của Chính phủ. Người dân Hàn Quốc cũng sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Chính phủ Hàn Quốc dành 3,4% GDP cho giáo dục chính quy. Giáo viên được coi là một phần quan trọng của khoản đầu tư này. Thống kê của OECD xếp Hàn Quốc ở vị trí số 10 về mức lương giáo viên.
Singapore có nền giáo dục toàn diện (Ảnh: Theindependent)
Mặc dù là quốc đảo có diện tích hạn chế và dân số khá nhỏ nhưng Singapore là một trong những đầu tàu về giáo dục của khu vực châu Á. Singapore được biết đến với nền giáo dục toàn diện, cung cấp nhiều cơ hội phát triển cho học sinh, sinh viên. Kể từ khi lập quốc hơn 50 năm trước, giáo dục luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu - kiến trúc sư trưởng của đất nước Singapore, nhằm tạo ra nguồn nhân lực kế cận có chất lượng cao.
Chính phủ Singapore luôn đầu tư “mạnh” cho lĩnh vực giáo dục bởi những tiềm năng lớn mà giáo dục chất lượng cao mang lại cho nền kinh tế và xã hội của quốc đảo này. Trong năm 2018, Chính phủ Singapore đã đầu tư 12,8 tỷ đôla Sing vào giáo dục. Số tiền đầu tư này vừa dành cho công tác trả lương giáo viên, cải thiện cơ sở hạ tầng, vừa để nâng cao chất lượng giảng dạy và hỗ trợ cho học sinh Singapore. Theo khảo sát của HSBC Holdings Plc, Singapore là nơi đứng thứ ba trên thế giới (chỉ sau Hồng Kông và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) về số tiền đầu tư cho mỗi học sinh từ tiểu học lên đến bậc đại học (ước gần 80.000 USD). Dù trên thực tế, học sinh của Singapore chỉ phải đóng khoản học phí rất thấp. Trong năm học 2017, Chính phủ Singapore trợ cấp khoảng 435.100 học sinh cấp một và cấp hai, ngoài ra còn có khoảng 80.100 sinh viên đang theo học đại học và sau đại học. Bất chấp việc đầu tư mạnh của Chính phủ, số liệu mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng cho thấy chi phí giáo dục vào tháng 5/2017 tại Singapore đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp đôi so với tỷ lệ lạm phát bình quân.
Mặc dù luôn được đánh giá là nền giáo dục chất lượng cao nhưng sau bên trong hệ thống giáo dục Singapore luôn có những thay đổi, cải cách lớn lao. Bộ Giáo dục Singapore vừa công bố danh sách “Các kỹ năng của thế kỷ 21” với mong muốn học sinh, sinh viên sẽ tích lũy được, trong đó có những kỹ năng mềm như tự nhận thức và đưa ra những quyết định có trách nhiệm. Phương pháp dạy học cũng đang thay đổi. Tất cả các giáo viên phải trải qua 100 giờ đào tạo mỗi năm, trong đó họ học các kỹ năng sư phạm mới như khuyến khích làm việc nhóm và sự trao đổi giữa giáo viên với học sinh. Một thay đổi khác là tạo ra môi trường học tập gần gũi nhất với nơi làm việc sau này. Đến năm 2023, gần như tất cả các trường học ở Singapore sẽ phải áp dụng các môn học như khoa học máy tính, robotic và điện tử, ngoài ra còn có văn hóa và thể thao. Trọng tâm là tạo ra môi trường cho phép học sinh thực hành như trong thế giới thực.
Với những nền tảng giáo dục chất lượng cao từ nhiều năm qua cùng với sự đầu tư đúng đắn của các chính phủ cũng như chính những người dân tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, hệ thống giáo dục của các quốc gia này ngày càng phát triển bền vững và đóng vai trò là đầu tàu cho các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam học hỏi.
Hồng Nhung