Gia tăng nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế châu Á

Nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế châu Á đang tăng lên khi giá cả cao hơn khiến các ngân hàng trung ương đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
 Người dân xếp những bình gas đã sử dụng trên một tuyến đường để phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu và khí đốt ở Colombo, Sri Lanka ngày 7/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông tin trên do Bloomberg đưa ra ngày 6/7 sau khi thực hiện khảo sát mới nhất với các nhà kinh tế.

Đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay, Sri Lanka có 85% xác suất rơi vào suy thoái trong năm tới. Con số 85% này tăng từ mức 33% trong cuộc khảo sát trước và cho đến nay đây là mức tăng cao nhất trong khu vực .

Các nhà kinh tế cũng nâng dự báo về khả năng suy thoái ở New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Australia và Philippines lên lần lượt là 33%, 20%, 20% và 8%. Các ngân hàng trung ương ở những nơi đó đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Xác suất suy thoái của một số nền kinh tế châu Á khác không thay đổi trong cuộc khảo sát. Các nhà kinh tế nhận thấy có 20% nguy cơ Trung Quốc sẽ bước vào suy thoái và 25% nguy cơ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản sẽ bước vào cuộc suy thoái.

Các nền kinh tế châu Á phần lớn vẫn có khả năng phục hồi so với châu Âu và Mỹ.

Ông Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody's Analytics, cho biết giá năng lượng tăng cao đã ảnh hưởng nhiều nhất đến các nước như Đức và Pháp, gây tác động lan tỏa và ảnh hưởng đến phần còn lại của khu vực.

Nói chung, nguy cơ suy thoái của châu Á là khoảng 20-25%, nguy cở của Mỹ là khoảng 40%, trong khi châu Âu là 50-55%. Mô hình của Bloomberg Economics dự báo nguy cơ suy thoái của Mỹ ở mức 38% trong vòng 12 tháng tới, tăng so với mức 0% chỉ vài tháng trước đó.

Các chuyên gia kinh tế nhận định kỳ suy thoái kinh tế kế tiếp tại Mỹ nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào cuối năm nay, có thể ở mức vừa phải, nhưng thời gian cũng có thể kéo dài.

Nhiều nhà quan sát dự báo mức suy giảm kinh tế Mỹ sẽ không nghiêm trọng như trong cuộc khủng hoảng tài chính thời kỳ 2007-2009 hay đợt suy thoái trong những năm 1980 – thời kỳ ghi nhận mức lạm phát cao. Tuy nhiên, lạm phát leo thang có thể là nhân tố khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) không vội vàng đưa ra chính sách đảo ngược đà suy giảm kinh tế, vì vậy suy thoái có thể ở mức vừa phải, nhưng thời gian có thể kéo dài hơn.

Trước đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/6 cho thấy GDP giảm 1,6% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức suy giảm này sâu hơn so với mức 1,4% mà cơ quan này công bố dữ liệu ước tính sơ bộ hồi tháng 4. Quý I/2022 cũng là quý đầu tiên GDP Mỹ giảm kể từ quý II/2020 khi nước Mỹ chìm sâu vào nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

GDP quý đầu năm 2022 của Mỹ cũng giảm sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 6,9% trong 3 tháng cuối năm 2021. Các chuyên gia dự báo hoạt động kinh tế Mỹ sẽ còn chậm lại khi FED tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đồng thời thận trọng theo dõi những dấu hiệu đang manh nha về nguy cơ suy thoái (GDP suy giảm 2 quý liên tiếp).

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều