Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68), diễn ra ở trụ sở LHQ tại New York (Mỹ), ngày 11/3/2024. (Ảnh: Xinhua)

Phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) - diễn đàn quan trọng nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh tác động không cân xứng của chiến tranh đối với phụ nữ.

Theo đánh giá của người đứng đầu Liên hợp quốc, tại các khu vực xung đột trên toàn cầu, phụ nữ và trẻ em gái đang phải chịu đựng nhiều nhất do các cuộc chiến tranh do nam giới gây ra. Từ đó, ông Guterres kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và viện trợ nhân đạo cho người dân tại các khu vực xung đột.

Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh tình hình thảm khốc ở Gaza, nơi được cho là có hơn 2/3 số thương vong trong các hoạt động quân sự của Israel là phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra các số liệu đáng báo động về nạn bạo lực tình dục đối với phụ nữ Palestine trong thời gian bị giam giữ, các cuộc đột kích và tại các trạm kiểm soát tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Trong lời phát biểu cùng ngày, ông Guterres đã tỏ rõ quan ngại về các vấn đề mà phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt, trong đó có Afghanistan và Sudan.

“Taliban đã ban hành hơn 50 sắc lệnh đàn áp quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan. Trong khi tại Sudan, nhiều phụ nữ được cho là đã bị hãm hiếp và phải chịu nhiều hình thức bạo lực tình dục khác giữa lúc cuộc xung đột đang diễn ra” – ông Guterres trăn trở.

Tổng thư ký Liên hợp quốc thừa nhận, dù đã có bằng chứng cho thấy vai trò đầy đủ của phụ nữ giúp cho việc xây dựng hòa bình hiệu quả hơn nhiều, song số lượng phụ nữ nắm giữ vai trò ra quyết định lại đang có xu hướng giảm. “Sự thật rất rõ ràng: Phụ nữ dẫn đến hòa bình” – ông Guterres nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi tăng cường tài trợ và thúc đẩy các chính sách mới nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và đầu tư vào các nhà xây dựng hòa bình là phụ nữ.

Sự phân chia giới tính ngày càng rõ trong lĩnh vực kỹ thuật số

Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự phân chia giới tính ngày càng gia tăng trong lĩnh vực kỹ thuật số, lưu ý đến sự thống trị của nam giới trong công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Ông cảnh báo các thuật toán do nam giới kiểm soát có thể tạo ra sự chênh lệch trên nhiều khía cạnh của cuộc sống, đồng thời lưu ý thêm rằng việc thiết kế hệ thống bởi các nhà lãnh đạo nam và các nhà công nghệ thường bỏ qua nhu cầu, những yếu tố cơ thể và các quyền thiết yếu của phụ nữ.

“Đã đến lúc các chính phủ, xã hội dân sự và các thung lũng Silicon trên thế giới đóng vai trò to lớn nhằm thu hẹp khoảng cách giới tính trong lĩnh vực kỹ thuật số và đảm bảo phụ nữ có vai trò ra quyết định trong công nghệ kỹ thuật số ở mọi cấp độ” – ông Guterres nói.

Đề cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ

Ảnh minh họa:UNICEF

Ngoài ra, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng lưu ý đến nhu cầu cấp thiết của phụ nữ trong việc nắm giữ vai trò lãnh đạo, đặc biệt là trong các tổ chức tài chính.

Ông nhấn mạnh sự chênh lệch giới tính rõ rệt trong lĩnh vực tài chính thế giới, khi có tới hơn 8/10 bộ trưởng tài chính và hơn 9/10 thống đốc ngân hàng trung ương là nam.

Từ thực tế trên, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dỡ bỏ các rào cản mang tính cơ cấu để đạt được sự bình đẳng giới trong vai trò lãnh đạo. Ông Guterres nói: “Các tổ chức tài chính do nam giới thống trị cần phải dỡ bỏ các rào cản cơ cấu đang ngăn cản phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp nhân rộng những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới giữa các nhà quản lý và cấp cao trên thế giới, bởi theo ông “sự thay đổi không đến một cách ngẫu nhiên”.

Ông Guterres cũng kêu gọi cộng đồng toàn cầu cùng nhau tập hợp vì bình đẳng giới; nêu bật vai trò của CSW như một động lực cho sự thay đổi mang tính chuyển đổi. “Hãy làm điều đó bằng cách đầu tư vào phụ nữ và trẻ em gái, đặt cược vào phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy hòa bình và phẩm giá cho phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi” – ông Guterres nói.

Hành động và nỗ lực vì các Mục tiêu phát triển bền vững

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis kêu gọi xóa bỏ phân biệt đối xử dựa trên giới tính. (Ảnh: Xinhua)

Đồng quan điểm, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis, tiếp tục kêu gọi hành động và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường nỗ lực để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trước thực tế rằng thế giới đang tụt hậu trong việc đạt được các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, ông Francis nhấn mạnh: “Hiện tại, cứ 10 phụ nữ thì có một người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ - tôi nhắc lại - cứ 10 phụ nữ thì có một người”.

Qua đó, ông Francis nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược toàn diện cũng như quan trọng của việc đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội nhạy cảm giới và áp dụng các biện pháp nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính vốn hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và ra quyết định.

Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) diễn ra từ ngày 11 - 22/3 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Chủ đề của kỳ họp này là: “Đẩy nhanh thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, thông qua xóa đói, giảm nghèo, tăng cường thể chế và cung cấp tài chính có tính tới khía cạnh giới”.

Ủy ban Địa vị phụ nữ, thành lập từ năm 1946, là một ủy ban chức năng trực thuộc Hội đồng kinh tế-xã hội Liên hợp quốc với nhiệm vụ khuyến nghị cho Hội đồng các biện pháp nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và giáo dục. Kết quả và khuyến nghị của mỗi khóa họp được báo cáo lên ECOSOC.

Là một sự kiện tổ chức thường niên, CSW là hội đồng quan trọng nhất trên toàn thế giới gồm sự tham gia của các thành viên xã hội dân sự, đại diện các chính phủ, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia, đánh giá những tiến bộ về bình đẳng giới, cân nhắc các mối quan tâm quan trọng và tạo dựng sự đồng thuận về các sáng kiến nhằm nâng cao phúc lợi của phụ nữ và trẻ em trên thế giới.

Khóa họp CSW68 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 5 về đạt bình đẳng giới vào năm 2030./.

 
T.Lan (Theo UN, Xinhua)/Báo ĐCSVN