An sinh xã hội của Nhật Bản tập trung nhiều vào người cao tuổi (Ảnh: Kyodo News)
Trong những năm trở lại đây, có ít hơn 1% người dân Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào sự trợ giúp của an sinh xã hội cho sinh kế của mình. Tuy nhiên, người lao động nước ngoài và trong nước đều phải đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của nước này. Hệ thống an sinh xã hội của Nhật được thiết kế để đảm bảo dân số của quốc gia này được cung cấp các dịch vụ cơ bản bao gồm: bảo hiểm sức khỏe và điều dưỡng; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm hưu trí; bảo hiểm bồi thường cho người lao động. Người sử dụng lao động cũng như người lao động phải đóng góp vào hệ thống. Mỗi người lao động phải đóng góp 12% tiền lương hàng năm của họ cho hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản khi đăng ký và đóng góp vào hệ thống cũng sẽ được tiếp cận với sự chăm sóc và hỗ trợ giống như người bản địa. Những người lao động bất hợp pháp, không đăng ký với Chính phủ sẽ không phải đóng góp vào hệ thống và cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp an sinh xã hội.
Xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội bền vững trong tương lai là một thách thức về chính trị đối với Chính phủ và các đảng phái ở Nhật Bản. Sự già hóa dân số đang tăng lên nhanh chóng, theo ước tính, đến năm 2025 cứ 5 người dân Nhật Bản sẽ có một người ở độ tuổi 75, điều này có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội của quốc gia này. Mặc dù chi phí cho các dịch vụ chăm sóc y tế và điều dưỡng đang tăng lên, nhưng dân số trong độ tuổi lao động - nhóm người đóng vai trò lớn trong việc đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội thông qua các khoản thuế và phí bảo hiểm xã hội - sẽ giảm, gây nghi ngờ về tính bền vững của hệ thống.
Trong một thập kỷ qua, Chính phủ Nhật Bản đã phải “vật lộn” tìm ra các biện pháp đối phó với kịch bản này. Điều này cũng thúc đẩy việc Chính phủ phải cung cấp các khoản trợ cấp với hiệu quả cao hơn, đồng thời điều chỉnh cách thức đóng thuế và phí bảo hiểm xã hội của người dân. Bên cạnh đó, điều này cũng thúc đẩy việc cải thiện an sinh xã hội tập trung nhiều vào người già và cung cấp nhiều lợi ích hơn cho thế hệ trẻ.
Trong chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ Tự do, lãnh đạo Đảng này hứa đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả các thế hệ, bao gồm việc tăng cường hỗ trợ nuôi dạy trẻ như một biện pháp thúc đẩy việc tăng tỷ lệ sinh. Một cơ chế dựa trên thu nhập được áp dụng để giảm chi phí cho các trường mẫu giáo, mầm non. Nếu các dịch vụ này được cung cấp miễn phí cho tất cả trẻ em, các hộ gia đình có thu nhập cao có thể sử dụng khoản tiết kiệm để cung cấp cho con của họ các cơ hội giáo dục bổ sung.
Khoảng 14 nghìn tỷ yên trong tổng doanh thu từ thuế tiêu thụ được chi tiêu cho an sinh xã hội của Nhật Bản. Số tiền 7,3 nghìn tỷ yên sẽ được sử dụng để trả nợ phát sinh bằng cách thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội hoạt động hiệu quả hơn.
Do tình trạng già hóa và giảm dân số, nhiều người dân Nhật Bản cảm thấy không an tâm về tính bền vững của hệ thống y tế, chăm sóc và trợ cấp của quốc gia này. Điều này cho thấy các đảng phái chính trị của Nhật Bản cần đưa ra các giải pháp thuyết phục hơn về cách thức duy trì hệ thống này. Để đảm bảo tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội, Chính phủ và các nhà lập pháp nên thảo luận về vấn đề tăng gánh nặng tài chính đối với những người cao tuổi giàu có, tăng thuế thừa kế, phí bảo hiểm cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Họ cũng cần thảo luận về việc 10% thuế tiêu thụ liệu có đủ trang trải chi phí an sinh xã hội trong tương lai?
Quỹ dự trữ để trả lương hưu ở nhiều tỉnh của Trung Quốc đang gặp khủng hoảng (Ảnh: SCMP)
Tại Trung Quốc, Luật An sinh xã hội do Chính phủ ban hành, nhưng mỗi chính quyền địa phương quản lý theo cách riêng, ví dụ như tỷ lệ và mức đóng góp của các chủ sở hữu lao động và nhân viên của họ đối với các khoản trợ cấp khác nhau tùy theo thẩm quyền của địa phương. Sự đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc là bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động Trung Quốc cũng như người nước ngoài làm việc ở Trung Quốc, ngoại trừ những người nước ngoài làm việc tại Thượng Hải. Những người nước ngoài thuộc các quốc gia đã ký kết các hiệp định tổng hợp với Trung Quốc có thể được miễn các khoản đóng góp an sinh xã hội phù hợp với phạm vi cụ thể của hiệp định tương ứng. Trung Quốc đã tham gia ký kết hiệp định tổng hợp với CHLB Đức (bao gồm vấn đề lương hưu và thất nghiệp) và Hàn Quốc (về vấn đề lương hưu).
Người sử dụng lao động và người lao động Trung Quốc phải đóng phí bảo hiểm hàng tháng vào 3 quỹ lương hưu, y tế và thất nghiệp, trong khi đó người sử dụng lao động phải đóng góp vào 2 quỹ khác là (quỹ dành cho thai sản và thương tật lao động). Các cá nhân tự làm chủ doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nhỏ, nhân viên bán thời gian, người thất nghiệp có thể tham gia vào chương trình bảo hiểm hưu trí và y tế trên cơ sở tự nguyện.
Đóng góp vào quỹ an sinh xã hội ở Trung Quốc được đánh giá dựa trên thu nhập từ việc làm và mức lương tối đa (giới hạn ở mức gấp 3 lần mức lương trung bình ở thành phố trong năm trước). Ở Bắc Kinh, số tiền đóng góp cho an sinh xã hội hiện tại của người lao động là khoảng 10,2%, trong khi đóng góp của người chủ lao động chiếm khoảng 32,8% thu nhập.
Các khoản thanh toán sau đó được Cục An sinh xã hội của từng địa phương giải quyết và phương thức thanh toán phụ thuộc vào thẩm quyền của địa phương. Ví dụ như trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của người sử dụng lao động hoặc khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng tháng.
Trong năm 2016, lương hưu, bảo hiểm y tế và các chương trình xã hội khác của Trung Quốc đã tăng lên 70% cùng với sự gia tăng của dân số. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các khoản thanh toán cho các quỹ an sinh xã hội đã vượt qua số tiền có thể trả, cao hơn 250 tỷ NDT so với 2 năm trước đó.
Mặc dù, các khoản thu cho các quỹ an sinh xã hội đã cao hơn các khoản chi trong năm 2011 và 2012, nhưng đến năm 2013, khoảng cách này đã trở nên báo động, buộc Chính phủ Trung Quốc phải cân đối lại thu và chi. Khủng hoảng tăng lên hàng năm bởi số người dân thụ hưởng an sinh xã hội ngày càng tăng. Nhiều người dân được nhận lương hưu hơn trước do tuổi thọ ngày càng tăng, nhóm nông dân, người lao động tự do, người lao động di cư đến các khu vực thành thị cũng trở thành một đối tượng cần nhận các hỗ trợ từ quỹ an sinh xã hội.
Trong số 7 quỹ an sinh xã hội cơ bản của Trung Quốc thì quỹ hưu trí đã phải chi trả 300 tỷ NDT vào năm 2016 so với 110 tỷ NDT năm 2015. Trong năm 2011, tỷ lệ 3,16 người lao động đóng góp quỹ tương ứng với 01 người được hưởng trợ cấp thì đến năm 2016 con số này chỉ là 2,8 người.
Mức độ nghiêm trọng của tình hình thay đổi theo khu vực địa lý. Ở 7 khu vực của Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Hồ Bắc, Thanh Hải cũng như Nội Mông, quỹ an sinh xã hội bị thiếu hụt trầm trọng. Quỹ dự trữ để trả lương hưu của tỉnh Hắc Long Giang đã hết. Nền kinh tế trì trệ ở địa phương đã đẩy người dân trong độ tuổi lao động đi nơi khác kiếm sống, đồng thời sự già hóa dân số khiến tình trạng của các địa phương này càng thêm trầm trọng.
Trước tình hình đó, Chính phủ Trung ương Trung Quốc đã cung cấp khoảng 1,1 nghìn tỷ NDT để trang trải cho các thiếu hụt của quỹ an sinh xã hội vào năm 2016, so với 80 tỷ NDT năm 2015 và tăng gấp đôi so với năm 2011. Sự hỗ trợ này chiếm 6% tổng chi tiêu của Chính phủ, con số này được dự kiến sẽ gia tăng trong tương lai. Trong khí đó, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm trong giai đoạn 2016 - 2017 và số người trên 60 tuổi tăng lên chiếm 17,3% dân số.
Dân số đông là một thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội của Ấn Độ (Ảnh: World Bank)
Một quốc gia lớn khác trong khu vực châu Á là Ấn Độ, trong giai đoạn 2015 - 2016, Chính phủ nước này đã chi hơn 441 tỷ Rupee cho an sinh và phúc lợi xã hội. Cũng trong năm 2016, nền tảng công nghệ đầu tiên trên thế giới cho hệ thống an sinh xã hội (DeitY) đã được Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Ấn Độ phát triển sau khi Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Ấn Độ không thể đạt được sự đồng thuận về việc thiết lập nền tảng “xương sống” cho việc phân phối các khoản trợ cấp an sinh xã hội của nước này. DeitY là nền tảng giúp xác thực người thụ hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Những người dân nhận hỗ trợ từ quỹ an sinh xã hội sẽ phải ghi danh với các bộ, ngành liên quan. Các cơ quan này sẽ sử dụng nền tảng DeitY để xác thực người nộp đơn, và sau đó các khoản trợ cấp sẽ tự động chuyển đến tài khoản của người thụ hưởng, giúp tiết kiệm công sức và chi phí trung gian.
Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng phát triển một chương trình bảo hiểm y tế mới cùng với chương trình hưu trí cho người cao tuổi, chương trình hưu trí cho các phụ nữ góa chồng trong các ngành và được quản lý bởi Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Ấn Độ. Nhờ nền tảng này mà trong năm 2015 - 2016, Chính phủ Ấn Độ đã giải ngân 61.824 triệu Rupee cho 59 chương trình thông qua giao quyền lợi trực tiếp.
Còn tại Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Trong thời gian qua, công tác an sinh xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu được quốc tế công nhận như xóa đói, giảm nghèo cho nông dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư của Nhà nước cho an sinh xã hội ngày càng tăng, các chính sách xã hội được thực hiện hiệu quả từ nhiều nguồn như vốn Nhà nước, ODA, các chương trình viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức và nguồn lực từ trong dân.
So với các cường quốc trong châu lục như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản thì hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, mặc dù đã được chú trọng và được thể hiện trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Mức độ bao phủ, mức trợ cấp còn thấp và chưa được điều chỉnh kịp thời, nhất là khi giá cả biến động, lạm phát tăng cao; nỗ lực tạo việc làm và đảm bảo việc làm đầy đủ, việc làm bền vững cho các nhóm lao động đặc thù nhất là thanh niên và lao động nông thôn vẫn là thách thức lớn; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội thấp, chủ yếu khu vực chính thức; đa số người già đang sống dựa vào nguồn tự tích lũy, vào các thành viên khác trong gia đình và trợ cấp xã hội hàng tháng của Nhà nước; mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân là một thách thức lớn khi chất lượng khám chữa bệnh còn yếu kém; đối tượng hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên chỉ chiếm khoảng 2% dân số, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Mức trợ giúp xã hội đột xuất mới chỉ bù đắp được khoảng 10% thiệt hại của hộ gia đình; hệ thống dịch vụ xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, và có xu hướng loại trừ đối với một số nhóm yếu thế.
Bảo hiểm xã hội, một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, tuy gần đây được mở rộng về đối tượng tham gia, song mức độ che phủ còn quá nhỏ trong toàn xã hội. Các loại hình bảo hiểm xã hội còn hạn chế, chưa đa dạng hóa, thủ tục thanh toán còn nhiều trở ngại, và quy định tham gia chưa đủ hấp dẫn người dân nông thôn và mức bảo hiểm chưa góp phần giảm thiểu và bù đắp các thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Trong khi đó, tình trạng các doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động nợ đọng bảo hiểm xã hội còn lớn, kéo dài trong nhiều năm đã hạn chế phần lớn hiệu quả của chính sách bảo hiểm xã hội. Hoạt động của Quỹ bảo hiểm xã hội chưa bền vững, thiếu minh bạch.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, hệ thống an sinh xã hội sẽ bao phủ khắp toàn dân (Ảnh: Lý luận chính trị)
Tỷ lệ bao phủ về bảo hiểm y tế ở nước ta còn chưa cao, mức độ sử dụng bảo hiểm trong khám chữa bệnh không cao do những hạn chế trong chất lượng dịch vụ. Người dân chưa mặn mà với bảo hiểm y tế do chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng tham gia.
Lưới an sinh xã hội nước ta chưa bao phủ được khu vực kinh tế phi chính thức, trong khi đây là khu vực thu hút rất nhiều lao động phổ thông và là nguồn sinh kế cho những nhóm thu nhập thấp, dễ bị tổn thương. Tình trạng làm việc không có bảo hiểm, không hợp đồng diễn ra phổ biến tại khu vực này.
Để phấn đấu đến năm 2020 hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam sẽ bao phủ khắp toàn dân cần, cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội phủ khắp toàn quốc, bảo đảm cho người dân tiếp cận đến các chính sách việc làm, giảm nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo...), tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng của nhân dân. Bên cạnh đó cần hoàn thiện hệ thống lý luận về an sinh xã hội phù hợp bối cảnh của nước ta, gắn chính sách an sinh xã hội với chính sách phát triển kinh tế phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế. Đồng thời, cần phải tăng cường huy động các nguồn lực cho chính sách an sinh xã hội và tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước trong xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Hồng Nhung - Ngọc Linh