Các mảnh vỡ máy bay Lion Air gặp nạn. Ảnh: Reuters
Theo thông tin mới nhất của phóng viên RFI tại Jakarta, một chiếc hộp đen đã được tìm thấy, nhưng còn quá sớm để có thể khai thác dữ liệu.
Trong khi đó, BBC dẫn lời Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanton thông tin, các thợ lặn đang cố gắng kiểm tra vị trí sâu 30-40m ở biển Java để tìm kiếm hộp đen, song nỗ lực bị cản trở bởi dòng hải lưu chảy xiết.
Các nhóm tìm kiếm đã sử dụng thiết bị không người lái dưới nước, cũng như "máy định vị, quét âm thanh dưới nước", để tìm kiếm các tín hiệu âm thanh phát ra từ hộp dữ liệu chuyến bay.
Ngày 31.10, Tư lệnh Hadi Tjahjanto nói rằng các nhân viên cứu hộ tin vào tiếng 'ping' đầu tiên được phát hiện ra hôm trước đó là từ một trong những hộp đen của máy bay. Ông nói các thợ lặn đã cố gắng tìm quét để bắt lại được âm thanh trong thời gian ngắn.
"Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy chiếc hộp đen dựa trên tín hiệu mạnh mẽ đã thu được, và từ đó sẽ tìm được thân máy bay," ông được Reuters trích lời.
Người đứng đầu lực lượng tìm kiếm cứu nạn, Muhammed Syaugi, cho biết, nếu tìm thấy, xác máy bay sẽ được trục vớt bằng cần cẩu. Nhiều thi thể có khả năng bị mắc kẹt bên trong.
Cùng ngày, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Giao thông Indonesia cho biết đã ra lệnh cách chức giám đốc kỹ thuật và nhiều kỹ thuật viên của Lion Air vì đã cho phép chiếc máy bay hoạt động. Đại diện của tập đoàn Boeing đang làm việc với hãng Lion Air, trong bối cảnh Jakarta ra lệnh kiểm tra mọi máy bay Boeing 737 MAX 8.
Theo Lion Air, chiếc máy bay bị nạn được đưa vào hoạt động từ tháng 8.2018 và gặp sự cố kỹ thuật trong chuyến bay trước. Trước đó, năm 2017, Boeing đã phải hoãn giao máy bay 737 MAX vì gặp vấn đề về động cơ.
Theo trang airlineratings.com, động cơ được sử dụng cho Boeing 737 MAX là sản phẩm hợp tác của tập đoàn Mỹ General Electrics và công ty Pháp Safran.
Theo K.M/Báo Lao động