|
Nông dân thu hoạch lúa mì tại làng Tbilisskaya, Nga. Ảnh: AP |
Indonesia
Tờ Straits Times (Singapore) ngày 20/3 cho biết Indonesia đang tìm kiếm nguồn nhập khẩu lúa mì khác thay thế Ukraine.
Giám đốc Hiệp hội nhà sản xuất bột mì Indonesia-bà Ratna Sari Loppies cho biết có đến 8 container chứa 160 tấn lúa mì đã bị mắc kẹt tại Ukraine. Bà Ratna Sari Loppies đồng thời bổ sung rằng ảnh hưởng là không quá lớn nhưng các nhà sản xuất bột mì tại Indonesia nhiều khả năng tìm mua lúa mì từ những nguồn khác thay thế Ukraine.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), xung đột Nga-Ukraine gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lúa mì thế giới bởi hai quốc gia này vốn chiếm tới 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.
Malaysia
|
Một trang trại nuôi gà tại bang Johor, Malaysia. Ảnh: Reuters |
Xung đột Nga-Ukraine có thể gián tiếp làm tổn hại đến an ninh lương thực của Malaysia qua tình trạng tăng giá phân bón và thức ăn chăn nuôi...
Nga là nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm tới 15% nguồn cung toàn cầu. Trong tháng này, khi nông dân nhiều nơi trên thế giới chuẩn bị cho mùa vụ mới, Nga thông báo ngừng xuất khẩu phân bón. Các lệnh trừng phạt cũng khiến việc giao dịch mặt hàng này gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù giao thương với Ukraine và Nga chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch thương mại của Malaysia nhưng ngành chăn nuôi gia cầm của quốc gia Đông Nam Á này phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. 90% thức ăn chăn nuôi Malaysia nhập khẩu là từ Ukraine, Brazil và Argentina. Tính riêng trong năm 2020, Malaysia đã chi 1,1 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.
Điều này khiến giá trứng và thịt gà tại Malaysia tăng trong thời gian gần đây, buộc chính phủ nước này phải áp đặt kiểm soát giá cả để giảm gánh nặng với người tiêu dùng.
Ấn Độ
|
Một người đàn ông chất hộp đựng dầu ăn rỗng lên xe ba bánh. Ảnh: Reuters |
Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới và quốc gia này đã chuẩn bị cho những “cơn địa chấn” trước mắt khi xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy giá mặt hàng này.
Ấn Độ tiêu thụ 25 triệu tấn dầu ăn mỗi năm, 55% trong số này là nhập khẩu. Tại Ấn Độ, dầu ăn được sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ các món ăn địa phương cho đến dầu gội… Trong những năm qua, chính phủ Ấn Độ đã cố gắng tăng lượng dầu ăn sản xuất nội địa nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Điều này khiến giá dầu ăn tại Ấn Độ tăng gần gấp đôi kể từ 2017. Tính riêng từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, Ấn Độ nhập khẩu 843.377 tấn dầu hướng dương, 85% trong đó xuất phát từ Ukraine, 14,3% từ Nga và phần còn lại từ Argentina.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến việc vận chuyển dầu ăn từ Biển Đen bị ngưng trệ. Do đó có lo ngại về việc các hộ gia đình, đặc biệt là gia đình có thu nhập thấp tại Ấn Độ, gặp áp lực từ việc giá tăng cao.
Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Dầu thực vật Ấn Độ (IVPA)-ông Sudhakar Desai cho biết nước này đã có kế hoạch dự phòng trong đó mua 50.000-60.000 tấn dầu đậu nành và dầu cọ từ Nam Mỹ, Đông Nam Á trong tháng 4. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có một vụ mùa bội thu của mù tạt và chúng sẽ được sử dụng để làm dầu mù tạt thay thế khác cho dầu hướng dương.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng kỳ vọng lô hàng 160.000 tấn dầu hướng dương đã rời Ukraine trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 sẽ đến nước này trong tháng 3.
Ngành sản xuất dầu thực vật cũng cam kết với chính phủ Ấn Độ sẽ không xảy ra tình trạng khan dầu ăn và nguồn cung ứng sẽ được duy trì.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức