‘Lá phổi xanh’ của hành tinh bị tàn phá kỷ lục

Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng Amazon bị chặt phá đã vượt mức 2.000 km2, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
 

Lửa bốc ngùn ngụt tại rừng Amazon, khu vực thuộc bang Tocantins, Brazil ngày 17/8/2019 - Ảnh: AFP

Theo dữ liệu vệ tinh của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), khoảng 829 km2 rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon ở Brazil đã bị tàn phá chỉ trong tháng 5. Con số này cao hơn 12% so với tháng 5/2019, đồng thời đây cũng là tháng mà rừng Amazon bị tàn phá lớn nhất kể từ khi các số liệu bắt đầu được lưu trữ vào tháng 8/2015.

Chỉ riêng năm 2019, các vụ hỏa hoạn đã làm mất đi 10.123 km2 rừng ở khu vực Amazon của Brazil, lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ vượt mốc 10.000 km2 được ghi nhận vào năm 2008.

Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng Amazon bị chặt phá đã vượt mức 2.000 km2, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại hơn, những tháng mùa khô dễ gây cháy rừng vẫn còn ở phía trước (từ tháng 6 đến tháng 10). Đây cũng là thời gian cao điểm diễn ra các hoạt động khai thác gỗ, đào hầm mỏ, nông dân khai hoang lấy đất trồng trọt và chăn nuôi bất hợp pháp.

Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon (IPAM) dự báo, khoảng 9.000 km2 rừng sẽ bị chặt phá, đốt phát quang trong tháng 8 tới, gây ra những đám cháy rừng với quy mô lớn hơn nhiều so với năm ngoái.

Ngày 7/5, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ký một sắc lệnh triển khai các lực lượng vũ trang của nước này để chống lại nạn phá rừng và đối phó với các vụ hỏa hoạn tại các khu vực được bảo vệ, khu bảo tồn bản địa và các vùng đất liên bang khác nằm trong khu vực Amazon. Tuy nhiên, các nhóm môi trường lập luận rằng sẽ hiệu quả hơn nếu Chính phủ tăng ngân sách và số lượng quan chức trong các cơ quan môi trường.

Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái đất, là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu thổ dân của 500 bộ lạc cũng như là "ngôi nhà" của hơn 3 triệu loài động, thực vật.

60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Bolivia, Colombia, Guyana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.

Theo Baochinhphu.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều