Trước đó, ngày 10/7, trong khi dùng bữa tại một nhà hàng ở thành phố Lạc Sơn, ông Âu Hồng Đào đã phát hiện một số vết lõm đặc biệt trên mặt sân tại đây.
Vốn là một người rất quan tâm đến cổ sinh vật học, ông Âu Hồng Đào đã suy đoán rằng những dấu vết này có thể là dấu chân khủng long và ngay lập tức chia sẻ thông tin này với Phó Giáo sư Hình Lập Đạt làm việc tại Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc.
Ngày 16/7, Phó Giáo sư Hình Lập Đạt đã dẫn đầu một nhóm nhà cổ sinh vật học và tiến hành một cuộc điều tra tại địa điểm nói trên. Các dấu vết sau đó được xác định là dấu tích của hai khủng long ăn cỏ Brontosauruses (còn được gọi là "thằn lằn sấm" - một chi khủng long chân thằn lằn) có niên đại từ đầu kỷ Phấn trắng.
Theo ông Hình Lập Đạt, phát hiện này có ý nghĩa quan trọng do đây là lần đầu tiên dấu chân khủng long được tìm thấy ở thành phố Lạc Sơn.
Các nhà khoa học cho biết hai con khủng long Brontosauruses, với chiều dài cơ thể khoảng 8 mét, đã để lại dấu chân khi chúng di chuyển dọc theo sông trong điều kiện thời tiết khô cằn của Lạc Sơn cổ đại khoảng 100 triệu năm trước. Phó Giáo sư Hình Lập Phát cho biết khu vực trầm tích này cũng là cơ sở đã tạo nên Lạc Sơn Đại Phật - bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới - tọa lạc cách đó chỉ 5km.
TTXVN