Ông Takao Shito đã trồng rau trên mảnh đất này hơn 100 năm qua. Ảnh: BBC
Theo trang Oddity Central (Anh), gia đình ông Takao Shito đã trồng rau trên mảnh đất này hơn 100 năm qua. Ông nội, bố của ông Takao đều là nông dân và giờ ông cũng vậy, chỉ khác một điều là ông Takao sử dụng phương pháp canh tác hiện đại hơn.
Trang trại của ông Shito Takao năm lọt thỏm giữa một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới. Ảnh: OD
Trước khi lọt giữa sân bay rộng lớn, trang trại của gia đình Shito nằm trong một ngôi làng có khoảng 30 gia đình sinh sống với những cánh đồng rộng mênh mông. Ngày nay, trang trại này nằm lọt thỏm giữa sân bay Narita, sân bay lớn thứ hai của Nhật Bản. Cách duy nhất để đến trang trại này là đi qua các đường hầm dưới lòng đất.
Điều đáng chú ý là máy bay phản lực bay qua trang trại của ông suốt 24 giờ mỗi ngày. Hầu hết mọi người đã rời đi, nhưng ông Takao Shito đã kiên quyết đấu tranh để giữ lại trang trại của mình trong suốt hơn hai thập kỷ. Thậm chí, ông đã từ chối lời đề nghị hơn 1,7 triệu USD (khoảng 40 tỉ đồng) để giữ lại mảnh đất.
“Đây là mảnh đất do ba thế hệ trong gia đình tôi canh tác gần một thế kỷ qua. Từ ông nội tôi, bố tôi và hiện tại là tôi. Vì vậy, tôi muốn tiếp tục sống tại đây và làm nông nghiệp”, ông Takao nói.
Trang trại được rào xung quanh. Ảnh: OD
Bố của ông Takao, cụ Toichi, là một trong số ít nông dân đã cản trở quyết liệt kế hoạch mở rộng Sân bay Narita của Chính phủ kể từ những năm 1970. Hầu hết nông dân khác trong khu vực đã bị thuyết phục bán đất bằng các biện pháp đền bù tài chính, nhưng cụ Toichi Shito đã cương quyết phản đối, bất chấp mọi điều kiện tài chính. Khi ông nội của ông Takao qua đời ở tuổi 84, bố của ông đã bỏ công việc kinh doanh nhà hàng và trở về trang trại của gia đình, tiếp tục chiến đấu để giữ lại mảnh đất này.
Ông Takao Shito đã liên tục tham gia các cuộc chiến pháp lý để ngăn chính quyền cưỡng chế ông rời khỏi nơi này. Công việc đồng áng tuy mệt mỏi, nhưng ông chưa từng có ý định lùi bước. Cuộc đấu tranh của ông đã trở thành biểu tượng quyền công dân. Thậm chí, hàng trăm tình nguyện viên và nhà hoạt động đã tập hợp để ủng hộ ông trong suốt nhiều năm.
“Tôi đã được đề nghị đền bù tiền mặt với điều kiện tôi phải rời khỏi trang trại. Họ đưa ra mức giá 1,7 triệu USD (gần 40 tỉ đồng). Khoản tiền này tương đương với 150 năm tiền lương của một người nông dân. Nhưng tôi không quan tâm đến tiền bạc, tôi muốn tiếp tục làm nông nghiệp. Tôi chưa bao giờ tính đến chuyện rời khỏi đây”, ông chia sẻ.
Takao Shito và các đồng nghiệp làm việc trong trang trại giữa sân bay Narita. Ảnh: AFP
Nông dân làm việc trong trang trại bên cạnh sân bay Narita. Ảnh: AFP
Sân bay Narita là cửa ngõ quốc tế chính của Tokyo. Sân bay này đón khoảng 40 triệu hành khách và 250.000 chuyến bay mỗi năm. Đường băng thứ hai của Narita lẽ ra sẽ chạy qua trang trại của ông Takao Shito, nhưng do các vấn đề pháp lý nên hiện nay mảnh đất đã được rào xung quanh.
Theo một bài báo đăng trên tờ Answer Coalition, tòa án địa phương Chiba đã ra quyết định cưỡng chế mảnh đất của ông Takao vào ngày 20/12/2018. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, ông Takao đã nhận được một quyết định khác yêu cầu tạm dừng quá trình cưỡng chế cho đến khi phiên tòa tại tòa án cấp cao Tokyo mở ra vào năm sau.
Ông Takao Shito vẫn đang trông nom trang trại hữu cơ của mình giữa sân bay Narita và cung cấp nông sản tươi cho khoảng 400 khách hàng. Đại dịch COVID-19 không ảnh hưởng đến công việc của ông. Thậm chí, cuộc sống tại một trong trong những sân bay lớn nhất thế giới lại trở nên yên bình hơn bao giờ hết. Tần suất chuyến bay giảm làm cho không khí trong lành hơn và bớt ồn ào hơn bao giờ hết.
Theo Hải Vân/Báo Tin tức