Để chấm dứt các tập quán khai thác tài nguyên thiên nhiên hàng thế kỷ qua, Liên hợp quốc đã phê duyệt Hệ thống quản lý tài nguyên mới của Liên hợp quốc (UNRMS) để quản lý bền vững các nguồn tài nguyên. Hộp công cụ quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên này đã được giới thiệu vào ngày 9/11 tại COP27. Theo Liên hợp quốc, hệ thống mới này sẽ giúp các quốc gia sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đạt được những kết quả tốt về kinh tế - xã hội và môi trường.
|
Phân loại chai nhựa để tái chế tại một nhà máy ở Dhaka, Bangladesh. (Ảnh: UN) |
Chưa đầy 10% vật liệu tiêu thụ được tái chế
Bà Olga Algayerova, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Châu Âu (UNECE), cho biết: Khung phân loại tài nguyên của Liên hợp quốc (UNFC) đưa ra các công cụ để quản lý nguồn tài nguyên do con người tạo ra (tài nguyên thứ cấp). UNRMS tập trung vào tính tuần hoàn và sẽ giúp các quốc gia thành viên tăng cường tính tuần hoàn trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên, điều cần thiết để giảm lượng khí thải carbon và sinh thái của chúng ta.
Theo cơ quan của Liên hợp quốc, chỉ chưa đầy 10% vật liệu chúng ta tiêu thụ được tái chế. Trong giai đoạn từ năm 1970 – 2017, khai thác khoáng sản toàn cầu đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt 92 tỷ tấn mỗi năm.
UNECE cảnh báo nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, thế giới sẽ cần tới 190 tỷ tấn nguyên liệu mỗi năm vào năm 2060; đồng thời ủng hộ "sự thay đổi căn bản" trong cách chúng ta tiêu dùng, di chuyển, sản xuất sản phẩm và phát triển các công nghệ mới như số hóa.
Một hệ thống ứng phó với những thách thức về sự cân bằng của các hệ sinh thái
Trong cuộc chiến này, việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp đòi hỏi rất nhiều đầu vào tài nguyên thiên nhiên, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt. UNECE lập luận: “Thách thức ngày nay là sản xuất, sử dụng và tái sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khi duy trì sự cân bằng nhạy cảm của các hệ sinh thái”.
UNRMS, với tư cách là một khuôn khổ thống nhất để quản lý tổng hợp tài nguyên, dựa trên Khung Phân loại Tài nguyên của Liên hợp quốc (UNFC). Hệ thống này đã kết hợp một phương pháp đánh giá tài nguyên độc đáo thông qua lăng kính 3 yếu tố về khả năng tồn tại về môi trường và kinh tế xã hội, tính khả thi về kỹ thuật và độ tin cậy vào các ước tính.
Trước đó, Nhóm các chuyên gia của UNECE về quản lý tài nguyên (EGRM) đã tán thành UNRMS tại cuộc họp vào ngày 25/10. Theo UNECE, trong cùng một chiều hướng, việc UNFC thông qua hướng dẫn dành cho châu Âu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định của các bên liên quan liên quan đến dự trữ và dòng nguyên liệu thô tại châu lục này.
Triển khai trên toàn thế giới
Về phần mình, hệ thống phân loại và quản lý tài nguyên khoáng sản và năng lượng của Châu Phi do Trung tâm Phát triển Khoáng sản Châu Phi (AMDC) thuộc Ủy ban Liên minh Châu Phi phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNECE, và đang được triển khai trên toàn lục địa, là dựa trên UNFC.
Một số quốc gia Mỹ Latinh cũng tham gia vào các sáng kiến xây dựng năng lực thực hành tốt nhất để đánh giá các dự án địa nhiệt và khoáng sản tiềm năng dựa trên UNFC và UNRMS.
Cuối cùng, việc phê duyệt gần đây các Tài liệu liên lạc giữa Tài nguyên Khoáng sản và Dự trữ Khoáng sản và Tiêu chuẩn Phân loại Tài nguyên Dầu mỏ/Trữ lượng của Trung Quốc và UNFC sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nguồn năng lượng và khuyến khích sự hợp tác quốc tế rộng rãi hơn.
Theo Khánh Linh/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (UN, AFP)