Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Lệnh cấm nhập cảnh
Một tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với người dân từ 7 nước Hồi giáo và cấm tất cả người tị nạn trong 120 ngày. Hỗn loạn nổ ra tại các sân bay Mỹ, biểu tình bùng phát trên toàn quốc phản đối biện pháp bị xem là phân biệt đối xử chống lại người Hồi giáo, mặc dù ông Donald Trump nói quyết định này chỉ nhằm ngăn chặn những phần tử cực đoan vào nước Mỹ.
Sắc lệnh của ông Donald Trump khởi động một cuộc chiến pháp lý kéo dài hết cả năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông và vẫn chưa kết thúc. Lệnh cấm đầu tiên nhanh chóng bị chặn lại tại tòa án liên bang, bản sửa đổi thứ hai loại Iraq ra khỏi các nước bị cấm và phiên bản thứ ba bổ sung Triều Tiên và một số quan chức Venezuela, cũng chịu chung số phận tương tự. Mặc dù tháng trước, Tòa án Tối cao Mỹ cho phép thực thi bản sửa đổi thứ ba, tuy nhiên, những thách thức pháp lý với lệnh cấm này vẫn liên tiếp được gửi đến tòa.
Sa thải giám đốc FBI
Một trong những động thái gây chú ý nhất trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump là đột ngột sa thải giám đốc FBI James Comey vào ngày 9.5, bãi nhiệm người đang dẫn đầu cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tổng thống Donald Trump sau đó thừa nhận, ông có nghĩ đến vụ điều tra Nga khi sa thải ông Comey. Nhưng cuối cùng, quyết định sa thải giám đốc FBI hóa ra phản tác dụng. Vụ sa thải dẫn tới việc chỉ định công tố viên đặc biệt độc lập và mạnh mẽ hơn là cựu giám đốc FBI Robert Mueller đứng đầu cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ mà ông Donald Trump bác bỏ là “thông tin giả mạo”. Ông Mueller không chỉ dẫn dắt cuộc điều tra này, mà cũng có thể xem xét, liệu tổng thống và các phụ tá có tìm cách cản trở công lý hay không.
Cho đến nay, 2 cựu phụ tá của ông Donald Trump là người quản lý chiến dịch Paul Manafort và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã bị buộc tội, họ thừa nhận nói dối các điều tra viên và trở thành nhân chứng của chính phủ.
Rút Mỹ khỏi các hiệp định
Ngay ngày nhậm chức đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã gây chấn động bằng tuyên bố Mỹ sẽ rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong nhiều di sản của người tiền nhiệm Barack Obama. Ông Donald Trump cũng dọa, sớm rút Mỹ khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ngày 1.6.2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về khí hậu mà theo ông, áp đặt những gánh nặng quá khắc nghiệt, tốn kém hàng tỉ đô la, tác động tới hàng triệu công việc làm ăn tại Mỹ. Ông mô tả hiệp định Paris là không công bằng đối với Mỹ, và có lợi cho các nước lớn gây ô nhiễm khác. Ông nói sẵn sàng đàm phán lại để tái gia nhập Hiệp định Paris, song vấp phải phản đối của các nhà lãnh đạo Châu Âu.
Cải cách thuế
Ngày 22.12, ông Donald Trump ký luật cải cách thuế, là cuộc cải tổ lớn nhất đối với hệ thống thuế của Mỹ trong hơn 30 năm qua. Thực hiện cam kết từ khi tranh cử, ông Donald Trump coi việc cắt giảm 1.5 nghìn tỉ USD tiền thuế là món quà giáng sinh cho người Mỹ. Phe Dân chủ nói rằng, dự luật này sẽ nới rộng cách biệt thu nhập giữa người giàu và người nghèo, còn phe Cộng hòa khẳng định, gói cải tổ thuế sẽ thúc đẩy nền kinh tế, tăng trưởng việc làm. Đây được xem là thành tựu lập pháp đầu tiên trong nhiệm quyền tổng thống gần 11 tháng của ông Donald Trump, sau khi ông và phe Cộng hòa đã không thể bãi bỏ được luật chăm sóc y tế Obamacare của người tiền nhiệm.
Căng thẳng Triều Tiên
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng LHQ tháng 9.2017, ông Donald Trump thề hủy diệt Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ. Đến cuối năm 2017, mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên càng tăng khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố, kho vũ khí tên lửa có thể tấn công bất kỳ nơi nào ở Mỹ. Nhưng năm mới 2018 mở ra những dấu hiệu hòa dịu khi Triều Tiên đồng ý đối thoại với Hàn Quốc và cử vận động viên dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Tổng thống Donald Trump cho rằng, nếu ông không phải là người gây sức ép với Triều Tiên thì 2 miền nam - bắc đã không đối thoại với nhau.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” ở nước ngoài
Ông Donald Trump hứa hẹn nhanh chóng giành chiến thắng trước IS. Trong năm qua, các lực lượng địa phương ở Iraq và Syria được Mỹ hậu thuẫn đã giáng đòn chí mạng IS và đẩy lùi phần lớn tổ chức khủng bố này ra khỏi lãnh thổ. Chính sách “Nước Mỹ đầu tiên” của ông Donald Trump ở nước ngoài được phản ánh qua áp lực đối với các nước thành viên NATO đóng góp thêm chi phí quân sự. Trong các chính sách đối ngoại đáng chú ý khác, cần nhắc đến việc Tổng thống Mỹ dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Những động thái này của ông Donald Trump đã gây ra nhiều chỉ trích và biểu tình từ các nước liên quan.
Theo Vân Anh/Báo Lao động