Theo thông báo trước đó của Bộ Tài chính Mỹ, kể từ ngày 5.11, Mỹ sẽ liệt hơn 700 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các tổ chức Iran có tên trong “danh sách đen” của Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã công bố danh sách 8 quốc gia được miễn trừ lệnh trừng phạt này, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Nhật Bản. Đây đều là những nước hàng đầu nhập khẩu dầu của Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, đây chỉ là quyền miễn trừ tạm thời và Mỹ mong muốn các nước giảm dần lượng dầu mua của Iran.
Tái áp đặt lệnh trừng phạt, Mỹ muốn gia tăng sức ép lên quốc gia Hồi giáo liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Các nhà phân tích nhận định, biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nguồn thu từ dầu mỏ rất quan trọng đối với Iran, song sẽ gây hậu quả lớn đối với nguồn cung dầu mỏ của thế giới, bởi Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, Washington cho biết, Mỹ sẽ bảo đảm nguồn cung cho thị trường dầu mỏ thế giới, với sự giúp đỡ của đồng minh Ảrập Xêút.
Trước thời điểm Mỹ chính thức công bố áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, ngày 4.11, hàng nghìn người dân Iran đã đổ ra đường phố tại Thủ đô Tehran nhằm phản đối Mỹ, kêu gọi chính phủ Iran không đàm phán với Mỹ. Các cuộc mít tinh, tuần hành diễn ra trùng với thời điểm tròn 39 năm sự kiện sinh viên Iran chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, đồng thời bắt giữ các nhà ngoại giao Mỹ làm con tin trong cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Cùng ngày, quân đội Iran cho biết, phía Iran sẽ tổ chức các cuộc diễn tập phòng không trong hai ngày hôm nay và ngày mai để phô diễn khả năng phòng thủ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo, Iran nên thực thi các chính sách nhằm bảo vệ sự ổn định của kinh tế vĩ mô, nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, giới chức Iran đã bác bỏ những lo ngại về tác động của lệnh trừng phạt lên nền kinh tế. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, Iran sẽ không gục ngã trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và sẽ tiếp tục bán dầu cho thế giới. Mặt khác, Tehran cũng đang tích cực tìm kiếm sự trợ giúp từ Liên minh châu Âu (EU). Ngày 3.11, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã điện đàm với Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini và những người đồng cấp Đức, Thụy Điển, Đan Mạch nhằm thảo luận các biện pháp đối phó của châu Âu đối với lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Theo Nhật An/Báo Đại biểu Nhân dân