Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Canada Ian McLeod cho biết, bà Mạch Vãn Chu, còn được biết đến với tư cách con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt giữ ở thành phố Vancouver ngày 1.12 và được yêu cầu dẫn độ về Mỹ, do tình nghi vi phạm các lệnh trừng phạt Iran. Tập đoàn Huawei đã ra thông báo xác nhận thông tin về vụ bắt giữ trên, tuy nhiên khẳng định, không hay biết bất cứ sai phạm nào của bà Mạch. Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã phản đối vụ bắt giữ quan chức cấp cao của Huawei và kêu gọi giới chức Canada ngay lập tức trả tự do cho bà Mạch Vãn Chu.
Theo hãng tin Reuters, bà Mạnh không phải người xa lạ với nghi vấn vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Năm 2013, bà Mạch từng nằm trong Hội đồng Quản trị của Skycom Tech, công ty do Huawei nắm cổ phần có trụ sở tại Hong Kong, bị nghi ngờ bán nhiều thiết bị máy tính HP cho Iran cuối năm 2010, bất kể lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm công nghệ của Washington cho Tehran.
Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, hiện cũng bị các nhà chức trách Mỹ điều tra nghi vấn cung cấp các sản phẩm công nghệ có xuất xứ Mỹ sang một số nước khác nằm trong danh sách đen của Mỹ như Cuba, Iran, Sudan và Syria. Theo Reuter, giới chức Mỹ nghi ngờ Huawei ít nhất từ năm 2016, thời điểm Washington điều tra Tập đoàn công nghệ ZTE vì vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên. Bộ Thương mại Mỹ sau đó đã công bố tài liệu nội bộ của ZTE, cho thấy tập đoàn của Trung Quốc nghiên cứu phương thức kinh doanh bất chấp cấm vận của đối thủ mang định danh “F7”, được cho là Huawei. Sau khi ZTE thừa nhận hành động vi phạm lệnh cấm vận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Lệnh cấm đã đẩy ZTE đến bên vực phá sản và chỉ được Mỹ dỡ bỏ vào tháng 7 vừa qua, sau khi tập đoàn của Trung Quốc nộp khoản tiền phạt gần 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, Huawei vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định tuân thủ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu. Tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ cũng đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra Huawei về nghi vấn vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran.
Báo New York Times bình luận, vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei là “mũi tên trúng nhiều đích” trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Washington đang tìm cách thuyết phục các quốc gia khác hạn chế làm ăn với Huawei, do quan ngại về an ninh quốc gia. Nhà Trắng cũng đang tập trung siết chặt và tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, vài tháng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Tehran và nhóm P5+1, dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, vụ bắt giữ bà Mạch được dự đoán sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh - Washington, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về số phận của lệnh “đình chiến” thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc trong 90 ngày, vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tại cuộc gặp song phương ở Buenos Aires, Argentina hồi đầu tháng.
Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân