Những hệ lụy nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực giáo dục

Tình trạng đóng cửa trường học kéo dài do đại dịch COVID-19 có thể khiến các học sinh, sinh viên mất hàng nghìn tỷ USD thu nhập.
 Học sinh Indonesia thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan khi tham gia kỳ thi đại học tại Banda Aceh, ngày 5/7/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra cảnh báo trên trong báo cáo được công bố ngày 6/12, trong đó lưu ý cuộc khủng hoảng COVID-19 đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm ngoái. 

Trong báo cáo, WB, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) cho biết thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay có nguy cơ mất 17.000 tỷ USD thu nhập trong cả cuộc đời, chiếm khoảng 14% tổng GDP toàn cầu, do đại dịch COVID-19 khiến việc dạy học trực tiếp bị gián đoạn. Con số này cao hơn so với ước tính 10.000 tỷ USD trước đó vào năm ngoái. 

Báo cáo chỉ ra mức độ ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn học tập là không đồng đều, khi trẻ em nghèo và khuyết tật ít có điều kiện tiếp cận với hình thức học tập từ xa. Đặc biệt, học sinh nhỏ tuổi nhìn chung chịu ảnh hưởng nhiều hơn do việc học tập bị gián đoạn. Các trẻ em gái cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận giáo dục từ xa. Việc học của các em bị hạn chế do các chuẩn mực xã hội nhất định, thiếu hụt các kỹ năng công nghệ và khả năng tài chính hạn hẹp.

ADVERTISING

Trao đổi với báo giới, Giám đốc Toàn cầu về giáo dục của WB Jaime Saavedra nhận định cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm tê liệt hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Hiện nay, sau 21 tháng, hàng triệu trẻ em vẫn chưa thể đến trường do các trường học vẫn phải đóng cửa. Trong số đó, nhiều em có thể sẽ không bao giờ quay trở lại trường học. Ông Saavedra nhấn mạnh tình trạng học hành sa sút của nhiều trẻ em là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Điều này có thể để lại những hệ lụy đối với năng suất lao động, thu nhập và hạnh phúc của thế hệ trẻ em và thanh niên hiện nay nói riêng và cả nền kinh tế toàn cầu nói chung. 

Chính phủ các nước đã công bố nhiều biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 3% những quỹ này được dành cho giáo dục và hiện vẫn còn hơn 200 triệu học sinh tại nhiều quốc gia không có đủ phương tiện để học tập từ xa.

Theo Trung Khánh (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều