Những người phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa Bình

(Mặt trận) - Ngày 27/11/1895, Alfred Nobel đã ký di chúc, hiến tặng phần lớn tài sản của mình cho một loạt các giải thưởng mang tên ông - giải thưởng Nobel. Một trong các giải thưởng Nobel danh giá đó là giải thưởng Nobel Hòa bình đã được trao tặng cho nhiều người phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới.

Rất nhiều người phụ nữ đã được trao giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp, cống hiến của họ cho hòa bình nhân loại. Ảnh: japantimes.co.jp

Bertha von Suttner (1843 - 1914)

Nữ nam tước Bertha von Suttner là một tiểu thuyết gia người Áo, một người theo chủ nghĩa hòa bình và là phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1905. Bà là người phụ nữ thứ hai đoạt giải Nobel sau bà Marie Curie năm 1903. Bà là một nhân vật nổi tiếng trong phong trào hòa bình và mạnh mẽ chống lại việc tranh đua sản xuất vũ khí. Bà cổ động hòa bình thế giới và là Chủ tịch danh dự của Văn phòng Hòa bình Thế giới tại Bern, Thụy Sĩ. Một trong những cuốn sách nổi tiếng của bà là “Lay Down Your Arms”.

Suttner trở thành nhân vật hàng đầu của phong trào hòa bình khi bà phát hành tiểu thuyết đấu tranh cho hòa bình “Die Waffen nieder” (Hãy hạ vũ khí) năm 1889 và thành lập một tổ chức hòa bình tại Áo vào năm 1891. Bà cũng nổi tiếng với vai trò biên tập viên của Nhật báo theo chủ nghĩa hòa bình quốc tế Die Waffen nieder, từ năm 1892 tới năm 1899.

Bà làm quản gia và thư ký cho ông Nobel trong một thời gian ngắn với tên gọi Bá tước phu nhân Bertha Kinsky. Sau đó bà trở về Áo và lập gia đình với Bá tước Arthur von Suttner. Mặc dù quan hệ tiếp xúc cá nhân giữa bà với Alfred Nobel là ngắn ngủi, nhưng bà vẫn trao đổi thư từ với ông cho tới khi ông qua đời năm 1896, và người ta tin rằng bà đã ảnh hưởng phần lớn tới quyết định lập thêm một “Giải Hòa bình” trong số các giải đặt ra theo nguyện vọng của ông.

Jane Addams (1860 - 1935)

Jane Addams là người phụ nữ Mỹ đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình và được công nhận là người sáng lập của nghề công tác xã hội tại Hoa Kỳ. Bà được trao giải Nobel Hòa bình cùng với ông Nicholas Murray Butler (Mỹ) năm 1931.

Bà, một nhà hoạt động xã hội tiên phong/nhà cải cách người Mỹ, nhân viên xã hội, nhà triết học đại chúng và là một tác gia, đồng sáng lập Liên minh Tự do Dân sự Mỹ và Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế vì Hòa bình và Tự do.

Emily Greene Balch (1867 - 1961)

Bà là giáo sư kinh tế, và xã hội học, bà hoạt động hòa bình và là Chủ tịch danh dự của “Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế vì Hòa bình và Tự do” ở Thụy Sĩ. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1946 cùng với ông John Raleigh Mott (Mỹ).

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, bà đã giúp việc thành lập “Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế vì Hòa bình và Tự do”, và đấu tranh chống việc Hoa Kỳ tham dự vào Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Betty Williams (1943) và Mairead Corrigan (1944)

Betty Williams và Mairead Corrigan là những người Bắc Ireland, được trao giải Nobel Hòa bình năm 1976.

Mairead Corrigan là người Thiên chúa giáo, sinh trưởng tại Belfast. Bette William theo đạo Tin lành và sinh trưởng tại Dublin. Tuy thuộc hai tôn giáo khác nhau nhưng cả hai đã sát cánh bên nhau để thành lập Phong trào Phụ nữ vì Hòa bình của Bắc Ireland (Women's Peace Movement) về sau đổi thành “Cộng đồng dân yêu chuộng hòa bình”, một tổ chức nhằm cổ vũ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang tại Bắc Ireland.

Mẹ Teresa (1910 - 1997)

Mẹ Teresa còn được gọi là “Mẹ Teresa Calcutta” là nữ tu Công giáo Roma người Albania, và là nhà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ở Calcutta, Ấn Độ. Sau khi sống ở Macedonia trong 18 năm, bà tới Ireland rồi Ấn Độ, nơi bà sống trong phần lớn cuộc đời còn lại.

Năm 1947, bà nhập tịch Ấn Độ và thành lập ngôi trường đầu tiên ở đây. Năm 1950, bà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái tại Calcutta, Ấn Độ (sau đó phát triển lên 330 hội tại 76 nước) để chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, tìm bố mẹ nuôi cho chúng, lập trường học... Trong hơn bốn mươi năm, bà chăm sóc người nghèo, trẻ em bị bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ và đến các quốc gia khác.

Năm 1970, Mẹ Teresa trở thành một nhân vật nổi tiếng toàn cầu với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần là nhờ quyển sách và cuốn phim tư liệu tựa đề Something Beautiful for God của Malcome Muggeridge. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979 như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của mình.

Alva Myrdal (1902 - 1986)

Alva Myrdal là một chính trị gia, một nhà xã hội học Thụy Điển. Bà đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1982 chung với Alfonso Garcia Robles (Mexico).

Cùng với chồng, Gunnar Myrdal, bà giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển một “nhà nước - quan phòng” (tức nhà nước chăm lo tất cả các dịch vụ xã hội cho dân chúng) ở Thụy Điển trong những năm 30.

Cuối thập niên 1940, bà đã tham gia vào các vấn đề quốc tế cùng với Liên hợp quốc, được bổ nhiệm đứng đầu ban chính sách phúc lợi của Liên hợp quốc năm 1949. Từ năm 1950 tới 1955, bà làm Trưởng ban Khoa học xã hội của UNESCO - người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cao như vậy trong một cơ quan Liên hợp quốc.

Năm 1962, bà được đề cử đại diện cho Thụy Điển tham dự Hội nghị giải trừ vũ khí tại Genève. Tại đây, bà đã tạo áp lực lên hai cường quốc thời Chiến tranh lạnh để dẫn đến việc giải trừ vũ khí. Đây là hoạt động mang lại giải Nobel hòa bình năm 1982 cho bà. Bà cũng đã góp phần thiết lập Viện Nghiên cứu quốc tế vì hoà bình ở Stockholm (SPRI).

Năm 1966, bà được bổ nhiệm chức Quốc vụ khanh, đảm nhiệm vấn đề giải trừ quân bị cho Bộ Ngoại giao Thụy Điển tới năm 1973.

Aung San Suu Kyi (1945)

Aung San Suu Kyi là một chính trị gia người Myanmar, là lãnh tụ phe đối lập của Myanmar, và là Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì “tranh đấu phi bạo lực cho dân chủ và nhân quyền”.

Năm 1990, Suu Kyi được trao tặng Giải tưởng niệm Thorolf Rafto và Giải thưởng Sakharov cho tự do tư tưởng. Bà tiếp tục được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991 và Giải Jawaharlal Nehru cho sự thông cảm quốc tế của Chính phủ Ấn Độ cùng Giải thưởng Simón Bolívar của Chính phủ Venezuela vào năm 1992. Năm 2007, Chính phủ Canada công nhận Suu Kyi là công dân danh dự của Canada, bà là người thứ tư có được vinh dự này. Năm 2011 bà được trao tặng Huy chương Wallenberg. Hiện nay bà là hội viên danh dự của Câu lạc bộ Madrid. Ngày 19/12/2012, bà được trao tặng Huân chương Vàng Quốc hội (Congressional Gold Medal), một trong hai giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, bên cạnh Huân chương Tự do Tổng thống.

Ngày 01/4/2012, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ thông báo Suu Kyi đã trúng cử vào Pyithu Hluttaw, cơ quan Hạ viện của Myanmar, đại diện cho khu vực Kawhmu; NLD cũng giành được 43 trên 45 ghế trống tại Hạ viện. Kết quả cuộc bầu cử đã được xác nhận bởi các Ủy ban Bầu cử chính thức vào ngày hôm sau.

Ngày 06/6/2013, Suu Kyi cho biết tại trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng bà muốn tham gia tranh cử vào vị trí người lãnh đạo cao nhất của Myanmar vào năm 2015. Cho tới năm 2014, bà xếp thứ 61 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất theo sự bình chọn của Forbes. Ngày 30/3/2016, bà Aung San Suu Kyi đã được bổ nhiệm vào vai trò Ngoại trưởng Myanmar, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng.

Rigoberta Menchú Tum (1959)

Rigoberta thuộc cộng đồng thổ dân Quiché, một trong số những cộng đồng lớn của 22 cộng đồng thổ dân Guatemala. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1992 khi chỉ mới 33 tuổi vì “Ghi nhận những hoạt động cho công bằng xã hội và hòa giải dân tộc - văn hóa dựa trên sự tôn trọng các quyền của các dân tộc bản địa”.

Cuộc đời bà là sự tái hiện cuộc đấu tranh chống áp bức và chống phân biệt chủng tộc của người thổ dân từ thời thực dân Tây Ban Nha đổ bộ lên châu Mỹ.

Rigoberta là Đại sứ thiện chí của UNESCO. Bà cũng là một nhân vật trong đảng chính trị ở Guatemala, hoạt động cho Chính phủ Guatemala vào năm 2007.

Năm 2006, bà là một trong những người sáng lập ra Hội Những phụ nữ lãnh đạo Nobel cùng với những người cũng đã nhận giải Nobel Hòa bình như Jody Williams, Shirin Ebadi, Wangari Maathai, Betty Williams và Mairead Corrigan Maguire. Sáu người phụ nữ đại diện cho Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, quyết định cùng biến kinh nghiệm của mình thành một nỗ lực liên minh vì hòa bình, công lý và công bằng. Đó là mục đích của những người nữ lãnh đạo Nobel trong việc tăng cường hỗ trợ quyền phụ nữ trên toàn thế giới.

Jody Williams (1950)

Bà là nhà hoạt động chính trị chống việc sử dụng mìn cá nhân, bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ. Bà thành lập và là phối hợp viên của “Chiến dịch quốc tế cấm sử dụng mìn”. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1997 vì “hoạt động đấu tranh cấm sử dụng và tháo gỡ mìn sát thương cá nhân”.

Sau khi tốt nghiệp cao học về ngôn ngữ và trở thành giáo viên tiếng Anh tại Mexico, Anh và Mỹ, bà bước vào con đường đấu tranh chống lại chính sách can thiệp của Chính phủ Mỹ ở Trung Mỹ trong 11 năm ròng.

Shirin Ebadi (1947)

Vượt qua con số kỷ lục 165 ứng cử viên, trong số đó có Đức Giáo hoàng Jean Paul II và cựu Tổng thống Vaclav Havel, sau trên một thế kỷ từ khi có giải Nobel, Shirin Ebadi là người phụ nữ thứ 11 được trao giải Nobel Hòa bình. Shirin Ebadi là nữ luật sư người Iran, là “con vật đen” của những người cực đoan thuộc giới giáo sĩ. Bà đặc biệt được chú ý nhờ những đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, nhất là cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Bà là người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên đoạt giải thưởng danh tiếng này và đồng thời là người Iran đầu tiên trong lịch sử đạt giải Nobel Hoà bình cao quý hơn trăm năm nay vì những hoạt động cho nhân quyền và dân chủ.

Bà cũng là người phụ nữ Iran đầu tiên trở thành thẩm phán trước cách mạng Islam năm 1979. Cuộc cách mạng này đã buộc bà phải từ chức.

Tại Iran, bà nổi tiếng là người luôn đứng về phía người nghèo - nạn nhân của những người theo đường lối cứng rắn. Với tư cách là luật sư, bà đã tranh đấu cho gia đình những nhà văn và trí thức bị sát hại năm 1999 và 2000. Bà đồng thời vạch trần bộ mặt của những kẻ lãnh đạo đứng đằng sau vụ tấn công của những người theo đường lối tăng lữ Hồi giáo vào sinh viên Đại học Tổng hợp Tehran năm 1999.

Wangari Maathai (1940 - 2011)

Giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2004 được trao cho bà Wangari Maathai - người Kenya, vì những đóng góp to lớn của của bà cho sự phát triển bền vững. Không chỉ tích cực hoạt động vì môi trường tốt đẹp trên Trái đất, bà còn đi đầu trong các hoạt động vì nền dân chủ và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt các quyền đối với phụ nữ.

Bà hoạt động chính trị và bảo vệ môi trường. Bà sáng lập “Phong trào trồng cây xanh”, “Bảo vệ môi trường” và “Quyền của phụ nữ”.

Bà là phụ nữ đầu tiên ở vùng Đông và Trung Phi đạt được học vị tiến sĩ vào năm 1971 sau khi du học ở Mỹ. Trở về Kenya, bà nhận nhiệm vụ điều hành Hội Chữ thập đỏ Kenya và tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Nairobi - nơi bà là nữ Giáo sư duy nhất khi ấy.

Vào năm 1977, bà đã thành lập Phong trào Vành đai xanh với mục đích hoạt động bảo vệ môi trường. Tổ chức của Maathai đã trồng được 40 triệu cây trên khắp lục địa đen. “Khi chúng ta trồng cây, chúng ta đang ươm mầm cho hy vọng và hòa bình”, đó là câu nói nổi tiếng của bà Wangari Maathai khi được trao giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 2004.

Ngoài dự án Green belt ở Kenya, bà Maathai còn tham gia dự án bảo tồn lưu vực rừng ở Congo, là khu rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới.

Tạp chí Time trong năm 2005 đã vinh danh bà là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. Tạp chí Forbes cũng từng xếp tên bà trong danh sách thường niên 100 phụ nữ quyền lực nhất. Đến tháng 4/2006, nước Pháp trao cho bà huân chương danh giá nhất, Huân chương Bắc đẩu bội tinh.

Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf (1938), Leymah Gbowee (1972), Tawakel Karman (1979)

Năm 2011, Giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho 3 người phụ nữ là Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee - người Liberia và Tawakkul Karman - người Yemen vì những nỗ lực đấu tranh phi bạo lực của họ cho sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ trong tiến trình kiến tạo hòa bình. Việc này được xem là một tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ với phong trào nữ quyền, đặc biệt khi thế giới đang phát triển.

Ellen Johnson Sirleaf là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia châu Phi thông qua bầu cử. Bà Ellen cùng Leymah Gbowee và Tawakkol Karman giành giải thưởng danh giá này vì cuộc đấu tranh phi bạo lực cho sự an toàn của phụ nữ và quyền tham gia công cuộc xây dựng hòa bình của phái đẹp.

Bà cầm quyền tại một đất nước bị tổn thương bởi 14 năm nội chiến khốc liệt làm thiệt mạng 250.000 người và để lại một nền kinh tế bị tàn phá, không có điện, không có nước máy hoặc cơ sở hạ tầng.

Ủy ban Nobel cho biết, từ khi nhậm chức vào năm 2006, bà đã đóng góp bảo vệ hòa bình ở Liberia, thúc đẩy phát triển xã hội và kinh tế, và củng cố vị thế của phụ nữ. Leymah Gbowee là một nhà hoạt động hòa bình châu Phi chịu trách nhiệm tổ chức một phong trào hòa bình đã kết thúc cuộc nội chiến Liberia lần thứ hai vào năm 2003. Điều này dẫn đến các cuộc bầu cử của bà Ellen Johnson Sirleaf ở Liberia, quốc gia châu Phi đầu tiên có một nữ Tổng thống.

Trong cuộc nội chiến thứ hai của Liberia năm 2003, bà Leymah Gbowee đã làm thay đổi số phận của đất nước mình khi kêu gọi những người phụ nữ thuộc mọi tôn giáo đoàn kết và cùng đứng lên vì hòa bình. Bà cho rằng mọi người đều có sức mạnh để đoàn kết các nhóm tôn giáo bị chia cách trong khu vực thành một phong trào hòa bình.

Tawakel Karman là một nhà báo, nhà chính trị, nhà hoạt động nhân quyền, lãnh đạo nhóm “Nhà báo Phụ nữ Độc lập”. Bà trở thành khuôn mặt quốc tế vì cuộc “Cách mạng mùa Xuân Ả Rập 2011”, được mệnh danh là “Người đàn bà sắt” (Iron Woman) và “Người Mẹ của cách mạng Yemen”. Bà đã đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh vì nữ quyền, vì dân chủ và hòa bình ở Yemen.

Ủy ban Nobel Na Uy hy vọng giải thưởng dành cho Ellen Johnson - Sirleaf, Leymah Gbowee và Tawakkul sẽ giúp chấm dứt việc đàn áp phụ nữ vốn vẫn còn diễn ra tại nhiều quốc gia và giúp nhận ra tiềm năng to lớn cho dân chủ và hòa bình mà phụ nữ có thể đại diện.

Malala Yousafzai (1997)

Malala Yousafzai, thiếu nữ Pakistan đã trở thành người trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 khi mới 17 tuổi vì công cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp đối với trẻ em và người trẻ tuổi, và quyền học hành của tất cả trẻ em.

Malala Yousafzai là người hoạt động cho quyền học hành của phụ nữ tại thung lũng Swat ở vùng Tây Bắc Pakistan, là nơi Taliban cấm phụ nữ đi học. Cô trở nên nổi tiếng thế giới vì khi mới 11-12 tuổi, cô đã hoạt động kêu gọi quyền phụ nữ được đi học, cô viết blog mô tả cuộc sống của cô dưới thời Taliban, được báo chí và truyền hình phương Tây phỏng vấn nhiều lần.

Thiếu nữ Pakistan dám chống lại lực lượng Taliban, lên án sự đàn áp trẻ em và bảo vệ quyền giáo dục trẻ em. Sự dũng cảm khiến cô trở thành cái gai trong mắt Taliban. Tháng 9/2012, hai tay súng Taliban đã chặn xe buýt chở Malala từ trường về nhà rồi bắn vào đầu cô. Malala được chuyển đến bệnh viện ở Anh để chữa trị và thoát nạn.

Cái tên Malala mang lại sức mạnh kỳ diệu gắn kết mọi người, đặt biệt là phụ nữ, trên toàn thế giới, không phân biệt màu da, thứ bậc, độ tuổi. Malala, trong giờ phút nhận giải Nobel Hòa bình, đã nói: “Giải Nobel này không dành cho một mình tôi, mà dành cho tất cả những em bé không có cơ hội nói lên tiếng nói của mình trên thế giới”.

Bản lĩnh, lòng can đảm, trái tim nhân ái và niềm đam mê bất tận với sự nghiệp giải phóng con người của Malala hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng danh giá mà cô vừa được trao tặng. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) còn vinh danh Malala bằng cách lấy tên cô để đặt cho một tiểu hành tinh mới.

Hồng Nhung dịch (Nguồn: wikipedia, nobelprize.org, AP, dw.com)

 

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều