|
Ảnh minh họa.
|
Tình hình bất ổn toàn cầu hiện nay do xung đột vũ trang, đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và môi trường đan xen gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với tất cả các quyền của trẻ em.
Các tác động của Covid-19 đang làm đảo ngược những thành tựu đạt được trong nhiều thập kỷ nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, khiến việc đảm bảo các quyền này gặp rủi ro ở nhiều quốc gia.
Theo Văn phòng đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bạo lực đối với trẻ em, có hơn 1,3 triệu trẻ em trên toàn thế giới mất cha hoặc mẹ, hay người giám hộ trong năm đầu của đại dịch.
Ước tính có thêm 10% trẻ em trên toàn cầu bị đẩy vào cảnh nghèo đói. Nhu cầu được hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe tâm thần qua đường dây nóng cũng tăng đột biến lên tới 7.000%. Khoảng 2,8% trẻ em trên thế giới không được đến trường và trên toàn cầu ghi nhận sự gia tăng các báo cáo về tình trạng bạo lực gia đình và bạo lực mạng.
Trẻ em đã phải đối mặt với bạo lực thể chất và tâm lý ở mức độ cao hơn dẫn đến vi phạm nhân quyền, bao gồm bóc lột, lao động trẻ em, nạn buôn bán trẻ em, tấn công tình dục… Nạn nhân đã không nhận được các biện pháp hỗ trợ để khắc phục và giải quyết vấn đề hậu quả.
Sự gián đoạn trong phạm vi bao phủ y tế đang dẫn đến tỷ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh cao hơn, và ước tính khoảng 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin trong bối cảnh áp dụng các biện pháp ngăn chặn và ứng phó với đại dịch.
Giám đốc Vận động, Truyền thông, Chiến dịch khu vực Đông và Nam châu Phi của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Kijala Shako cho biết tác động về sức khỏe của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em trong thời gian đầu đại dịch đã giảm xuống do các bằng chứng cho thấy dịch có ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lớn. Nhưng sau hai năm, các tác động về mặt xã hội và thể chất suốt đời của cuộc khủng hoảng đã trở nên rõ ràng hơn đối với trẻ em. Để bảo vệ cả một thế hệ trước những tác động lâu dài của Covid-19, thế giới cần khẩn trương đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và các quốc gia yếu thế có thể ứng phó với đại dịch một cách hiệu quả và hồi phục trở lại với các điều kiện tốt hơn cho trẻ em.
Các chuyên gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã xem xét 5 khủng hoảng chính mà trẻ em trên toàn cầu phải đối mặt do đại dịch Covid-19, đó là bạo lực gia đình; sức khỏe tâm thần; bạo lực mạng; trường học đóng cửa và sống trong tình trạng đói nghèo.
Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, trẻ em có nguy cơ cao bị bạo hành, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Các bằng chứng cho thấy các cú sốc kinh tế và việc đóng cửa trường học do dịch bệnh có một số mối tương quan với sự gia tăng của bạo lực đối với cả người lớn và trẻ em.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2020 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em có 25.000 người trên 37 quốc gia tham gia, nhiều trẻ em cho biết tỷ lệ bạo lực khi trường học đóng cửa cao hơn so với khi đến lớp học trực tiếp. Một phần năm số cha mẹ cho biết họ đã sử dụng các phương pháp nuôi dạy con tiêu cực và bạo lực hơn trong thời gian đại dịch. Các số liệu mới nhất ở Nam Phi đã cho thấy hơn 350 trẻ em bị giết hại trong 3 tháng cuối năm 2021, các vụ giết người có chủ đích đã tăng 30% với hầu hết các vụ bạo lực diễn ra tại nhà.
Trẻ em đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cảm giác tiêu cực do hậu quả của đại dịch và cuộc sống của chúng bị gián đoạn, bao gồm cả việc không được hòa nhập với xã hội và trường học đóng cửa. Sự không chắc chắn và căng thẳng đã góp phần làm cho mức độ lo lắng, trầm cảm tăng lên đáng kinh ngạc.
Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã thiết lập đường dây trợ giúp tư vấn miễn phí để hỗ trợ sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên ở Ấn Độ. Các cuộc gọi đến đường dây trợ giúp đã tăng đột biến khi đất nước này phải đối mặt với đợt lây lan kỷ lục của đại dịch vào mùa xuân năm 2021, với mức tăng là 7.000% số cuộc gọi từ tháng 3 đến tháng 4.
Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy các chính phủ đã không đáp ứng đầy đủ trước sự gia tăng lớn về nhu cầu hỗ trợ sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ em. Điển hình như một phân tích về nguồn tài chính dành cho đại dịch Covid-19 cho thấy rằng các chương trình sức khỏe tâm thần chỉ chiếm 0,54% trong tổng số 2,98 tỷ USD được phân bổ cho Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo Toàn cầu - Lời kêu gọi toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm chống lại đại dịch Covid-19 kể từ tháng 10/2020.
Các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa đã khiến nhiều trẻ em phải dựa vào công nghệ hơn để học tập và duy trì liên lạc với gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều có đủ nguồn lực và kiến thức để giữ an toàn của bản thân khi hoạt động trực tuyến, khiến các em có nguy cơ bị bắt nạt và lạm dụng trực tuyến và dẫn tới những ảnh hưởng đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần.
Lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trực tuyến có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho trẻ. Ở Đan Mạch, một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho thấy 42% trẻ em ở nước này đã từng bị bạo lực trực tuyến trong năm 2021.
Dịch vụ tư vấn Delete-It của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Đan Mạch chuyên trợ giúp trẻ em bị lạm dụng và quấy rối trên mạng đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể 179% số truy vấn từ năm 2019 đến năm 2021. Khi đại dịch kéo dài, đường dây trợ giúp cũng hoạt động bận rộn hơn, tăng mạnh số lượng truy vấn với mức tăng đột biến 50% từ 1.319 (năm 2020) lên 1.974 (năm 2021).
Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng giáo dục lớn nhất trong lịch sử, với gần một thế hệ không thể đến trường – hơn 1,6 tỷ trẻ em vào thời kỳ đỉnh điểm. Việc đóng cửa trường học đã ảnh hưởng đến 43,5 triệu học sinh, tương đương 2,8% tổng số học sinh trên thế giới.
Trong hai năm qua, gần 150 triệu trẻ em đã không được đến trường, tương đương với 2 nghìn tỷ giờ học bị mất. Hai phần ba trẻ em trong độ tuổi đi học trên thế giới không thể truy cập giáo dục trực tuyến trong thời gian trường học đóng cửa vì không có kết nối Internet tại nhà. Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF ước tính rằng 23 quốc gia - nơi có hơn 200 triệu học sinh, sinh viên - trường học vẫn chưa được mở cửa hoàn toàn, khiến nhiều trẻ em có nguy cơ phải bỏ học.
Và những trẻ em yếu thế, vốn đã bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị phân biệt đối xử sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đó là trẻ khuyết tật, trẻ thuộc các hộ nghèo, trẻ em gái, trẻ em tị nạn, di cư và những trẻ đang sống trong môi trường bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Việc đóng cửa trường học kéo dài đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, ảnh hưởng nặng nề đến những trẻ em thiếu khả năng tiếp cận công nghệ và các hỗ trợ trực tuyến khác cho việc học tập tại nhà, đồng thời dẫn đến tình trạng sa sút trong học tập và tăng tỷ lệ học sinh bỏ học. Ở Lebanon, nơi các trường học đóng cửa trong 49 tuần do đại dịch Covid-19, học sinh, sinh viên vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc trường học đóng cửa nhiều lần và một cuộc khủng hoảng kinh tế làm trầm trọng thêm tình trạng thất học. Nhiều học sinh, sinh viên ở Lebanon lo lắng bị tụt hậu trong việc học tập. Họ không thể đến trường vì giáo viên và nhiều học sinh bị nhiễm Covid-19, vì vậy họ phải duy trì việc học trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức này không thực sự hiệu quả, nhiều học sinh, sinh viên cho biết họ không hiểu được bài vì Internet và điện bị cắt thường xuyên.
Kể từ tháng 10/2019, Lebanon đã trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thế giới, khiến việc học trực tuyến của nhiều sinh viên không thể tiếp cận được. Một cuộc khảo sát năm 2020 do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện cho thấy 69% trẻ em cho biết họ gặp khó khăn khi tiếp cận các chương trình đào tạo từ xa, và một phần ba số trẻ em được hỏi cho rằng chi phí để học từ xa quá đắt. Trong một cuộc khảo sát tiếp theo vào năm 2021, tất cả trẻ em được khảo sát đều cho biết đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến quyền được học tập của các em.
Theo dữ liệu do UNICEF và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phân tích từ khi đại dịch bùng phát, ước tính có thêm 100 triệu trẻ em bị đẩy vào cảnh nghèo đói, tăng 10% so với giai đoạn trước đại dịch. Mức tăng đột biến này có nghĩa là 1,1 tỷ trẻ em được dự báo hiện đang sống trong cảnh nghèo đói. Các gia đình ở các quốc gia có nhu nhập thấp đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất và kinh tế của các gia đình này đang phục hồi với tốc độ chậm hơn bởi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế, giáo dục và y tế toàn cầu lớn nhất trong lịch sử đã ảnh hưởng đến mọi trẻ em trên toàn thế giới. Các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ngay từ đầu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo đã mất hơn hai năm để nhận ra rằng đại dịch đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.
Hồng Nhung biên dịch