Công tác kiểm phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga đã hoàn tất ( RIA-Novosti)
Theo luật pháp Nga, sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua nếu nhận được sự ủng hộ của hơn 50% số phiếu bầu, mà không phụ thuộc tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu.
Việc bỏ phiếu diễn ra từ ngày 25-6 đến ngày 1-7. Riêng bỏ phiếu theo định dạng trực tuyến kết thúc sớm hơn, vào ngày 30-6. Hình thức bỏ phiếu từ xa được áp dụng thí điểm với cư dân tại hai khu vực là Moscow và Nizhny Novgorod. Tỷ lệ bỏ phiếu điện tử chiếm 93%, với tổng cộng hơn 1,1 triệu cử tri đã đăng ký.
Người đứng đầu SIK, bà Ella Pamfilova cho biết sau cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp này, Ủy ban đang nghiên cứu khả năng tổ chức bỏ phiếu từ xa trong các cuộc bầu cử tiếp theo ở một số khu vực khác, nhằm đáp ứng mong muốn của nhiều cử tri trong bối cảnh thực tế có nhiều đổi khác, liên quan đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kiểm soát và Giám sát bỏ phiếu toàn Nga tại Moscow, ông Vadim Kovalev, tuyên bố rằng không có bất kỳ vi phạm nghiêm trọng nào sau một tuần tiến hành bỏ phiếu. Đại diện Bộ Nội vụ Nga cũng xác nhận sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, nhân viên cảnh sát đã bảo đảm việc vận chuyển phiếu bầu an toàn đến các ủy ban bầu cử khu vực.
Theo kế hoạch, kết quả bỏ phiếu chính thức sẽ được SIK công bố trong ngày 3-7 và theo luật pháp Nga, sửa đổi hiến pháp sẽ có hiệu lực ngay từ thời điểm đó.
Gói sửa đổi Hiến pháp lần này đề xuất sửa đổi 41 điều và bổ sung 5 điều mới, có liên quan hơn 60% các điều khoản trong Hiến pháp năm 1993. Sửa đổi Hiến pháp năm nay với mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ các giá trị gia đình, bảo tồn di sản văn hóa, hỗ trợ cho khoa học Nga. Sửa đổi Hiến pháp quy định mức lương tối thiểu không được thấp hơn mức sinh hoạt phí tối thiểu.
Về chính trị, sửa đổi Hiến pháp liên quan việc phân phối lại quyền lực giữa các nhánh chính quyền, chuyển từ chế độ Cộng hòa “siêu tổng thống” năm 1993, sang tạo ra song song một hệ thống giám sát và đối trọng mới, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan lập pháp. Theo đó sẽ làm thay đổi cấu trúc thượng tầng, chuyển bớt quyền từ Tổng thống sang Quốc hội và Chính phủ, đồng thời hướng tới một hệ thống nghị viện dân chủ và cân bằng hơn.
Sửa đổi Hiến pháp cũng quy định không cho phép các quan chức Chính phủ có quốc tịch kép, phải thường xuyên sống ở Nga và không được mở tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài. Ứng cử viên Tổng thống phải sống thường xuyên ở Nga không dưới 25 năm. Các sửa đổi cũng quy định cấm hoàn toàn công dân có tài khoản ở ngân hàng nước ngoài, hoặc đã từng có quốc tịch nước ngoài, hoặc giấy cư trú ở một quốc gia khác, ứng cử Tổng thống. Những sửa đổi này, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, là nhằm “đặt lợi ích quốc gia của nước Nga lên trên hết”.
Hiến pháp sửa đổi cũng nêu rõ quy định một người không được giữ quá hai nhiệm kỳ Tổng thống liên tiếp, tính từ thời điểm bản Hiến pháp mới có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống đương nhiệm Putin và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đều có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm 2024.
Trong ngày 30-6, Tổng thống Putin đã đăng đàn phát biểu trên truyền hình, kêu gọi người dân cả nước hãy bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp. Ông khẳng định “tiếng nói của mỗi cử tri là quan trọng nhất, bạn hãy nói lên quan điểm của mình”.
Như vậy, với kết quả gần 78% cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, cho thấy cử tri Nga hơn lúc nào hết đang mong mỏi sự một cuộc sống ổn định và phồn thịnh. Họ ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, với mong ước có thể đưa nước Nga phát triển.
Theo QUẾ ANH (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga)