|
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D. Trump đang làm suy giảm cấu trúc liên minh toàn cầu của Mỹ (Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị G7 ở Biarritz, Pháp năm 2019)_Ảnh: NY |
Một vài đặc điểm của “sức mạnh mềm” Mỹ
“Sức mạnh mềm” là khái niệm được Giáo sư người Mỹ Joseph Nye tại Đại học Havard đưa ra từ năm 1990. Năm 2004, Giáo sư Joseph Nye tiếp tục bổ sung định nghĩa “sức mạnh mềm” như sau: “Sức mạnh mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép buộc hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước”.
Cũng theo Joseph Nye, “sức mạnh mềm” của Mỹ bao gồm: Sức hấp dẫn và sự ảnh hưởng của văn hóa; các quan niệm về giá trị và chính sách quốc gia; chính sách đối ngoại; xử lý các mối quan hệ trong nước; sức hấp dẫn của đường lối phát triển; năng lực chỉ đạo, hoạch định và kiểm soát các quy định, tiêu chuẩn và cơ chế quốc tế; mức độ ủng hộ của dư luận quốc tế đối với hình ảnh quốc gia của Mỹ...(1).
Các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm đều quan tâm phát triển, sử dụng “sức mạnh mềm” bên cạnh việc tập trung xây dựng phát triển “sức mạnh cứng” (thông qua ép buộc, trừng phạt, lôi kéo kinh tế, hay sử dụng sức mạnh quân sự). Mỗi một nhiệm kỳ tổng thống có những ưu tiên khác nhau trong khai thác, sử dụng các công cụ, chính sách thực hiện “sức mạnh mềm”. Các chỉ số về mặt xã hội cho thấy, Mỹ thu hút số lượng người nhập cư nước ngoài gấp gần sáu lần so với Đức, quốc gia đứng thứ hai. Mỹ là quốc gia hàng đầu vượt trội về xuất khẩu phim và các chương trình truyền hình, mặc dù trên thực tế Bollywood của Ấn Độ hằng năm sản xuất nhiều phim hơn. Trong số 1,6 triệu sinh viên trên thế giới du học nước ngoài, có tới 28% nhập học ở các trường đại học Mỹ, so với 14% theo học ở Anh...
Các thống kê khác cho thấy, Mỹ xuất bản nhiều số đầu sách hơn bất cứ quốc gia nào khác; doanh số bán các sản phẩm âm nhạc cao hơn gấp hai lần so với nước đứng kế tiếp là Nhật Bản; số lượng máy chủ internet nhiều gấp 13 lần so với Nhật Bản. Mỹ xếp số một về số lượng giải Nobel vật lý, hóa học và kinh tế; xếp thứ hai ngay sau Pháp về số lượng giải Nobel văn học. Số lượng bài báo, tạp chí và nghiên cứu khoa học được công bố nhiều gấp gần 4 lần so với nước đứng thứ hai là Nhật Bản.
Trong năm 2019, Mỹ tiếp tục giữ thứ hạng cao các chỉ số về văn hóa, công nghệ và giáo dục. Văn hóa Mỹ tiếp tục giữ vị trí đầu bảng trên toàn cầu khi nhiều trẻ em trên thế giới đều thích phim của hãng hoạt hình Disney và người trưởng thành thì đều xem phim “bom tấn”, nổi tiếng của Hollywood. Mỹ cũng là quốc gia có thành tích thi đấu thành công nhất trong các kỳ Olympic thế giới; là nơi có nhiều trường đại học nổi tiếng, thu hút số lượng lớn sinh viên quốc tế đến học (cao hơn số lượng sinh viên quốc tế theo học ở Anh). Các công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới như Amazon, Apple, Google, Facebook, Tesla và Microsoft đều có trụ sở chính đặt tại Mỹ. Các công ty giải trí, dịch vụ như Airbnb, Uber, Netflix và WeWork hiện cũng đang thực hiện các cuộc cách mạng thay đổi trong cung cấp dịch vụ, tương tác với con người, xã hội và thế giới .
Sự suy giảm “sức mạnh mềm” của Mỹ
Những năm gần đây, “sức mạnh mềm” của Mỹ đã có sự suy giảm. Năm 2017, Giám đốc ngân sách của Tổng thống D. Trump Mick Mulvaney đã công bố việc cắt giảm 30% ngân sách của Cơ quan phát triển quốc tế (USAID) và của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngân quỹ cho y tế cộng đồng, an ninh lương thực, quyền phụ nữ và các lĩnh vực phi quân sự của Mỹ ở nước ngoài cũng bị giảm đáng kể. Các cuộc thăm dò ý kiến và bảng xếp hạng 30 nước có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới (Soft Power 30 Portland) của Hãng Quan hệ công chúng Portland (Anh) cho thấy,“sức mạnh mềm” của nước Mỹ đã suy giảm từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump. Theo báo cáo “Soft Power 30 Portland” năm 2019 do Hãng Quan hệ công chúng Portland Communications và Trường Đại học Nam California (Mỹ) công bố, chỉ số xếp hạng “sức mạnh mềm” của Mỹ tiếp tục giảm so với năm 2018 và các năm trước đó. Tính từ năm 2016, chỉ số xếp hạng “sức mạnh mềm” của Mỹ giảm 5 lần liên tiếp. Rõ ràng, chính sách “Nước Mỹ trên hết” dường như không còn thu hút được nhiều sự ủng hộ của thế giới và khiến nước Mỹ bị cô lập(2).
Sự suy giảm “sức mạnh mềm” Mỹ được cho là xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, sự vận hành còn những hạn chế của Chính phủ Mỹ. Từ khi Tổng thống D. Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017 đến nay, nước Mỹ và thế giới đã và đang chứng kiến nhiều đổi thay về kinh tế, thương mại, đầu tư, chính sách đối ngoại và tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế. Có thể thấy “sức mạnh mềm” của Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump được thể hiện qua sự thay đổi trong chính trị nội bộ nước Mỹ, quá trình hoạch định và triển khai chính sách (bao gồm cả đối nội và đối ngoại), cũng như những ảnh hưởng về giá trị văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, sau sự kiện Chính phủ liên bang bị đóng cửa cuối năm 2018, đầu năm 2019, “sức mạnh mềm” của Mỹ đã tụt hạng. Kết quả này cho thấy, Chính phủ Mỹ năm 2019 hoạt động kém hiệu quả nhất kể từ năm 2015 cho đến nay. Theo cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup năm 2019, lòng tin của người dân Mỹ đạt mức thấp mới; tỷ lệ ngộ sát cao (đối với một nền kinh tế phát triển) với hơn 297 vụ xả súng trong năm 2019. Trước đó, năm 2017, Pháp đã vượt Mỹ, Anh để đứng đầu trong số 30 quốc gia trong bảng xếp hạng về “sức mạnh mềm” thường niên theo báo cáo “Soft Power 30 Portland”. Theo các chuyên gia, kết quả này làm dấy lên mối lo ngại đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Bảng xếp hạng còn cho thấy vai trò và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Mỹ đã sụt giảm. Như vậy, chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã và đang tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị và hình ảnh của nước Mỹ được xây dựng trong nhiều năm qua(3).
Theo Giáo sư Nye, sự suy giảm “sức mạnh mềm” rõ rệt của nước Mỹ cho thấy Washington đang “trả giá” cho phương pháp tiếp cận cứng rắn của Chính quyền Tổng thống D. Trump. Nếu chính sách ngoại giao của Mỹ được xem là không thay đổi thì dự báo, “sức mạnh mềm” của Mỹ khó có thể trở lại như các năm 2015 và 2016.
Theo các nhà phân tích, những tranh luận quốc tế phức tạp xung quanh cách thức quản lý chính quyền của Tổng thống D. Trump được cho là nguyên nhân khiến những đánh giá mức độ uy tín của Chính phủ Mỹ tương đối thấp. Nước Mỹ hiện đứng thứ 13 thế giới về mức độ uy tín, thứ 13 về các tiêu chuẩn đạo đức, thứ 19 về các tiêu chuẩn chính trị và thứ 44 về các mối quan hệ với các nước khác. Theo cuộc nghiên cứu khảo sát mới đây, người dân Mỹ cũng đánh giá thấp Chính phủ Mỹ về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (thứ 28) và mức độ tin cậy (thứ 23)(4). Điều này có thể thấy rõ trong các quyết định do Chính phủ Mỹ đưa ra khi đơn phương rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP 21) và Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Iran; quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã và đang tạo ra những thách thức đối với sự ổn định của trật tự thế giới nói chung và hình ảnh “thân thiện, có trách nhiệm quốc tế” của Mỹ nói riêng và làm suy yếu mức độ tin cậy cấp quốc gia với tư cách là một đối tác trên chính trường quốc tế.
Thứ hai, sự biến động khôn lường của tình hình thế giới, khi các “điểm nóng” như Syria, Triều Tiên, Yemen, Somalia... chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc đã lan rộng từ thương mại đến công nghệ, tài chính và tiền tệ; quan hệ Nga - Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh đến nay; bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh Liên minh châu Âu (EU), phương Tây. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự cạnh tranh, cọ xát chiến lược gay gắt giữa các nước lớn đã khiến các quốc gia chú trọng hơn vào việc sử dụng “sức mạnh cứng” để bảo vệ và thực hiện các lợi ích của mình(5).
Thứ ba, sự phát triển như vũ bão của truyền thông đại chúng. Những tiến bộ về công nghệ đã dẫn tới sự giảm đáng kể chi phí xử lý và truyền phát thông tin. Kết quả là sự bùng nổ thông tin cũng tạo ra “nghịch lý thông tin trái chiều”, làm giảm uy tín về mức độ tín nhiệm và “sức mạnh mềm” của nước Mỹ (6).
Tác động của sự suy giảm “sức mạnh mềm” của Mỹ
Trong các vấn đề toàn cầu, Mỹ ngày càng thể hiện sự thiếu quan tâm đối với các nỗ lực giải quyết thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống hiện nay của thế giới. Điều này được thể hiện qua việc Tổng thống D. Trump tiếp tục theo đuổi những đường hướng khó đoán định. Những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và việc Mỹ áp thuế cao đối với các đồng minh tiếp tục đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, đe dọa nền tảng của hệ thống thương mại toàn cầu và trật tự quốc tế. Năm 2019, Tổng thống D. Trump từ chối ký Thông cáo của G7, không xuất hiện tại phiên họp của G7 về cháy rừng Amazon và có phần coi nhẹ những đe dọa của biến đổi khí hậu.
Phương thức quản lý của Tổng thống D.Trump thể hiện ít quan tâm đến “sức mạnh mềm”, chủ nghĩa đa phương, hay giải quyết những thách thức chính khi đối mặt với thế giới. Uy tín của Mỹ cũng suy giảm rõ rệt ở châu Á.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D. Trump đang làm suy giảm cấu trúc liên minh toàn cầu của Mỹ. Các nước sẽ tăng cường xây dựng một nền kinh tế “hậu Mỹ”. Theo các nhà phân tích, hy vọng rõ nhất cho sự phục hồi “sức mạnh mềm” của Mỹ là nước này cần thể hiện vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong việc tham gia các công việc của thế giới, cần đạt được những bước tiến ngoại giao tích cực hơn./.
---------------------------
(1), (3), (5) Nguyễn Việt Lâm: “Sức mạnh mềm” của Mỹ thời kỳ Tổng thống Donal Trump - Thực trạng, tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3111-“sưc-manh-mem”-cua-my-thoi-ky-tong-thong-donal-trump-thuc-trang-tac-dong-va-kien-nghi-chinh-sach-cho-viet-nam.html
(2), (4) The US is world‘s top “soft” power - but Trump has damaged its reputation, survey says, www, cnbc.com
(6) American soft power in the age of Trump, www.publicdiplomacy.org.
Theo TRỊNH CƯỜNG/Tạp chí Cộng sản