Một phần ba tổng lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu, tính theo trọng lượng, bị thất thoát hoặc lãng phí trong quá trình từ lúc thu hoạch tại nông trại cho đến khi thực phẩm được chế biến và bày lên bàn ăn của người tiêu dùng - tương đương hơn 1 tỷ tấn. Nếu chuyển đổi ra lượng calo, con số này chiếm tới 24% nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu không được sử dụng. Trong khi đó, cứ 10 người trên thế giới thì có 1 người vẫn đang bị suy dinh dưỡng.
Quy mô thất thoát và lãng phí thực phẩm này không chỉ gây hại cho sức khỏe và dinh dưỡng của con người mà còn gây tổn hại cho cả nền kinh tế và môi trường. Thực phẩm bị lãng phí gây thâm hụt tài chính, khiến nền kinh tế toàn cầu mất hơn 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Thực trạng này cũng góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu, chiếm khoảng 8-10% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn thì lượng thực phẩm thất thoát và lãng phí sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2050.
Mặc dù thất thoát lương thực và lãng phí lương thực thường được nhắc tới cùng nhau, nhưng hai thuật ngữ này có liên quan đến các vấn đề khác nhau trong toàn bộ hệ thống lương thực, thực phẩm. Thất thoát lương thực nói đến việc thực phẩm thất thoát tại hoặc gần nơi sản xuất và trong chuỗi cung ứng, ví dụ như trong quá trình thu hoạch, lưu trữ hoặc vận chuyển. Còn lãng phí thực phẩm xảy ra ở cấp độ bán lẻ, trong ngành cung cấp dịch vụ ăn uống và trong các hộ gia đình.
|
Bao bì không tối ưu gây ra lãng phí, thất thoát thực phẩm. ẢNH: TRT WORLD |
Thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân, từ những thách thức về công nghệ đến hành vi của người tiêu dùng. Một số nguyên nhân phổ biến gây thất thoát thực phẩm có thể kể đến như thiếu hụt về công nghệ: cơ sở hạ tầng kém, chẳng hạn như đường sá bị ngập lụt, giao thông đình trệ có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển thực phẩm từ nơi sản xuất tới nơi tiêu dùng, thiếu kho lạnh cũng là một mối quan tâm lớn khác trong việc đảm bảo thực phẩm tươi ngon có thể đến tay người tiêu dùng và nông dân cũng có thể gặp khó khăn khi thiếu máy móc, trang thiết bị hoạt động hiệu quả dẫn đến việc thu hoạch vụ mùa trở nên khó khăn.
Nguyên nhân thứ hai là bao bì không tối ưu, cách đóng gói thực phẩm có thể tạo ra sự khác biệt lớn về thời gian thực phẩm đủ an toàn để tiêu dùng. Nhiều người tỏ ra lo ngại về tác động của việc sử dụng nhiều bao bì nhựa đối với môi trường nhưng thực tế là đóng gói đúng cách mới có thể bảo quản được thực phẩm tươi lâu hơn, giảm hư hỏng và giảm lượng khí mê-tan phát thải khi thực phẩm bị hỏng do lãng phí. Một thực tế là chúng ta đang quan tâm đến tác động của chất thải từ bao bì đến môi trường mà ít quan tâm tác động của thực phẩm lãng phí đến môi trường. Vì vậy, trong khi việc hạn chế chất thải từ bao bì là quan trọng thì việc sử dụng bao bì phù hợp nhằm giảm thiểu tình trạng hư hỏng cũng rất cần quan tâm.
Đối với tình trạng lãng phí thực phẩm nguyên nhân phổ biến đó là quản lý thực phẩm kém, ví dụ như nhân viên chế biến thực phẩm không đủ kỹ năng và kiến thức có thể dẫn đến việc lãng phí không cần thiết trong quá trình nấu nướng hay các nhà bán lẻ chỉ lưu trữ những sản phẩm có hình thức hoàn hảo và không chấp nhận lượng nông sản dư thừa do nông dân sản xuất. Lãng phí thực phẩm cũng có thể xảy ra khi các nhà bán lẻ và nhà cung cấp thực phẩm dự báo không chính xác hoặc lập kế hoạch không hiệu quả để đáp ứng nguồn cung.
Hành vi của người tiêu dùng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lãng phí thực phẩm. Các hộ gia đình chiếm phần lớn lượng thực phẩm bị lãng phí ở cấp độ người tiêu dùng và bán lẻ. Điều này thường do thiếu nhận thức về quy mô của vấn đề và thiếu hiểu biết về cách sử dụng và bảo quản thực phẩm đúng cách tại nhà. Lãng phí thực phẩm cũng bắt nguồn từ các chuẩn mực và thái độ cho rằng việc lãng phí là bình thường, cũng như mối lo ngại về những rủi ro sức khỏe có thể xảy đến nếu sử dụng các thực phẩm đã quá hạn.
Trước đây, chúng ta cho rằng lãng phí thực phẩm xảy ra ở cấp độ người tiêu dùng, có xu hướng xảy ra thường xuyên ở các nước phát triển còn các vấn đề phát sinh trong chuỗi cung ứng và sản xuất nông nghiệp thường xảy ra ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng điều này không đúng. Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy rằng lãng phí thực phẩm xảy ra ở mức độ tương đương giữa các quốc gia thu nhập trung bình và quốc gia thu nhập cao. Tương tự như vậy, nghiên cứu gần đây của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đã kết luận rằng thất thoát thực phẩm ở các trang trại là vấn đề ở các nước thu nhập cao cũng như các nước thu nhập trung bình và thấp. Những nghiên cứu gần đây cho thấy cả hai vấn đề đều cần được giải quyết trên quy mô toàn cầu.
Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc bao gồm lời kêu gọi giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí và giảm thất thoát lương thực vào năm 2030 vì lý do chính đáng. Bởi giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm mang lại lợi ích cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, cho sức khỏe của con người và môi trường.
Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm đóng vai trò lớn trong việc cung cấp một chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng cho người dân trên toàn cầu. Không chỉ một phần ba tổng lượng thực phẩm bị thất thoát và lãng phí mà hơn hết nhiều loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như trái cây và rau quả dễ bị hư hỏng. Điều này đòi hỏi đảm bảo nhiều nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu được sử dụng để nuôi sống con người, thay vì bị hư hỏng. Đây cũng là một chiến lược quan trọng để giải quyết nạn đói trên thế giới, nơi hàng trăm triệu người vẫn phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.
Việc giảm thất thoát và lãng phí lương thực cũng là một chiến lược để giảm lượng phát thải và chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, bởi có tới 10% lượng khí thải toàn cầu là kết quả của thất thoát và lãng phí thực phẩm. Do vậy, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris nhằm giữ cho nhiệt độ trung bình thế giới tăng dưới 2 độ C, nếu không giải quyết vấn đề này.
Cải thiện các hệ thống thực phẩm hiện có cũng sẽ giúp thế giới nuôi sống được nhiều người hơn mà không cần phải mở rộng diện tích canh tác. Mở rộng nông nghiệp là một nguyên nhân chính gây ra khí thải nhà kính và đồng thời dẫn tới nạn phá rừng, giải phóng carbon dioxide thu giữ và làm giảm khả năng lưu trữ carbon trong đất. Ngoài ra, việc tăng hiệu quả sản xuất lương thực có khả năng giải phóng đất nông nghiệp để tái trồng rừng, một biện pháp quan trọng để loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển.
Giảm lãng phí và thất thoát thực phẩm từ người tiêu dùng thậm chí chỉ 20-25% cho tới năm 2030 cũng có thể giúp thế giới tiết kiệm được khoảng 120-300 tỷ USD mỗi năm. Những khoản tiết kiệm này có thể hiệu quả ở cả cấp độ cá nhân cũng như cấp độ hệ thống; bằng cách tiêu thụ tối đa những sản phẩm lương thực, thực phẩm đã mua, các hộ gia đình có thể giảm tổng chi tiêu cho thực phẩm. Việc loại bỏ lãng phí và thất thoát lương thực có thể giúp một gia đình ở Vương quốc Anh tiết kiệm được trung bình hơn 870 USD mỗi năm, và hộ gia đình ở Hoa Kỳ có thể tiết kiệm được trung bình 1.800 USD mỗi năm.
Thất thoát và lãng phí thực phẩm xảy ra ở mọi giai đoạn trong chuỗi cung ứng, từ nông trại đến bàn ăn, và vì thế đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người để giải quyết. Đầu tiên, các hộ gia đình có thể giảm lãng phí bằng cách mua sắm thông minh hơn, bảo quản thực phẩm đúng cách và lên kế hoạch bữa ăn hợp lý. Tiếp theo, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống như khách sạn, nhà hàng có thể tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu thông qua việc đo lường lãng phí trong nhà bếp, hạn chế các phần ăn quá lớn và điều chỉnh thực đơn nhằm dự báo chính xác hơn nhu cầu nguyên liệu.
Đồng thời, các nhà bán lẻ cũng cần cải thiện quy trình sắp xếp và bảo quản thực phẩm, đào tạo nhân viên về quản lý nhiệt độ, và giáo dục khách hàng về cách lưu trữ thực phẩm một cách an toàn. Bên cạnh đó, nông dân và ngư dân có thể áp dụng các kỹ thuật thu hoạch tiên tiến hơn, cũng như tận dụng công nghệ, chẳng hạn như ứng dụng thời tiết, để giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất. Các cơ sở phân phối, không chỉ cần tối ưu hóa quy trình vận chuyển, mà còn phải sử dụng công nghệ để theo dõi, bảo quản thực phẩm một cách hiệu quả nhất. Cuối cùng, chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành các chính sách khuyến khích tái phân phối thực phẩm, đồng thời tiêu chuẩn hóa nhãn hạn sử dụng để giảm nhầm lẫn, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn và giảm thiểu lãng phí.
Hồng Nhung biên dịch