Thế giới vượt 211 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 211.067.932 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.421.880 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, 188.979.330 bệnh nhân đã bình phục, 17.666.722 người vẫn đang được điều trị, trong đó 108.874 ca bệnh nặng.

 

 Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 38.231.972 ca, trong đó có 643.113 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 572.733 ca trong tổng số 20.494.212 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 32.358.829 ca, trong đó có 433.622 ca tử vong.

Xét về khu vực, châu Á đứng đầu với 67.212.317 ca, còn châu Âu đứng thứ hai đang có 53.871.340 ca. Con số này của Bắc Mỹ là 45.807.942 ca và Nam Mỹ là 36.489.111 ca. 

Tại Đông Nam Á, sau 3 tuần, Chính phủ Campuchia đã quyết định dừng chiến dịch toàn quốc về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong khi lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Phnom Penh cũng kết thúc từ ngày 20/8. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca mới nhiều ngày qua dao động trong khoảng 500-600 ca/ngày.

Theo quyết định của chính phủ, chính quyền thủ đô Phnom Penh tối 19/8 cũng chấm dứt lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, Phnom Penh vẫn tiếp tục cấm các hoạt động kinh doanh có rủi ro lây nhiễm dịch  cao như kinh doanh đồ uống có cồn, cơ sở mát xa và tụ tập từ 15 người trở lên.  

Trong khi đó, rủi ro lây nhiễm vẫn ở mức cao tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan như Battambang, Banteay Meanchey, Pailin, Poipet và Oddar Meanchey khi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người lao động Campuchia từ Thái Lan đổ về nước mỗi ngày kể từ lúc cửa khẩu Campuchia - Thái Lan mở cửa trở lại hôm 13/8.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, tất cả lao động di cư và gia đình họ trở về nước phải cách ly tập trung 21 ngày, trong đó những người có kết quả xét nghiệm dương tính được chia tách để kiểm tra có nhiễm biến thể Delta hay không. Mặc dù số ca mắc COVID-19 ở các tỉnh vẫn ở mức cao, đặc biệt tại tỉnh Banteay Meanchey, nhưng tổng số ca trên toàn quốc tại Campuchia ngày 20/8 lại thấp hơn dự kiến.

Trong thông cáo ngày 20/8, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 519 ca mới trong 24 giờ qua, bao gồm 185 ca nhập cảnh và 334 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca tử vong vì dịch bệnh vài ngày nay cũng đã giảm xuống dưới mức 20 ca/ngày.

Tại Lào, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 440 ca mới và 2 ca tử vong. Đây là số ca mới cao nhất từ trước tới nay trong một ngày được ghi nhận tại Lào. Savanankhet tiếp tục là tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 135 ca, trong đó có tới 58 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào đang có xu hướng tăng trở lại.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng theo kế hoạch và mục tiêu đã đề ra; kiểm soát chặt hoạt động người xuất nhập cảnh. Đồng thời, Lào đang xem xét hợp tác với Trung Quốc trong việc nghiên cứu triển khai sản xuất thí điểm vaccine ngừa COVID-19 tại Lào, hướng tới sản xuất đại trà để cung cấp cho người dân cũng như xuất khẩu.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cho biết các trường học trên cả nước bao gồm cả thủ đô Viêng Chăn sẽ khai giảng vào ngày 1/9 tới. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 11.753 ca, trong đó có 11 người tử vong.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 20/8 ghi nhận 17.231 ca mới trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục trong một ngày. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới hơn 1,8 triệu ca, trong đó có 31.198 ca tử vong và riêng trong một ngày qua, quốc gia Đông Nam Á này có 317 ca không qua khỏi.

Tại Thái Lan, tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch tới nay đã vượt ngưỡng 1 triệu sau khi Bộ Y tế nước này sáng 20/8 thông báo có thêm 19.851 ca mới cùng 240 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên đầu năm ngoái, Thái Lan đã có tổng cộng 1.009.710 ca nhiễm, trong đó có 8.826 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm và tử vong được ghi nhận trong thời gian bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 3 từ đầu tháng 4, với 980.847 ca nhiễm và 8.732 ca tử vong.

Trong khi đó, kể từ ngày 21/8, Malaysia bắt đầu nới lỏng một số quy định giãn cách xã hội đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng trong bối cảnh hơn 50% số người trưởng thành của quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm đủ liều vaccine. Theo đó, những hoạt động được nới lỏng giãn cách bao gồm các hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời sẽ được cho phép nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi cùng quận và bắt đầu từ 6h00-22h00; các nhà hàng được phép phục vụ ăn uống tại chỗ thay vì chỉ được mua mang về như trước đây.

Tại Singapore, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan thông báo nước này có thể sẽ duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong một khoảng thời gian nữa trong bối cảnh chuẩn bị mở cửa lại biên giới và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch khác. Theo ông, đeo khẩu trang sẽ là quy định sau cùng được dỡ bỏ tại quốc gia này.

Singapore hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với số người được tiêm chủng chiếm 3/4 trong tổng số 5,7 triệu dân. Dự kiến, Singapore sẽ hoàn thành tiêm chủng cho 80% dân số vào tháng 9 tới, tạo tiền đề cho việc dỡ bỏ cách ly đối với du khách đã tiêm chủng sau khoảng 1 năm đóng cửa biên giới.

Tình hình dịch bệnh tại Australia và New Zealand vẫn phức tạp. Ngày 20/8, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo gia hạn lệnh phong tỏa Sydney và siết chặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 ở một số điểm nóng trong thành phố lớn nhất cả nước này sau khi ghi nhận 644 ca mới và 4 ca tử vong tại đây trong 24 giờ qua. Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian, nêu rõ lệnh phong tỏa thủ phủ Sydney và một số vùng lân cận sẽ được gia hạn đến hết tháng 9 tới. Từ ngày 23/8, mọi người dân khi ra khỏi nhà, trừ lúc tập thể dục, đều bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc thêm 4 ngày sau một đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Delta gây ra ở ngoại ô Auckland - thành phố lớn nhất cả nước. Thủ tướng Ardern nhấn mạnh New Zealand sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế cấp độ 4 - cấp độ phòng dịch cao nhất - cho đến ngày 24/8 tới. 

New Zealand là một trong số các quốc gia khống chế hiệu quả dịch COVID-19 với chỉ 26 ca tử vong trên tổng số 5 triệu dân. Người dân nước này không bị buộc phải ở nhà trong một  năm qua và cuộc sống gần như trở lại bình thường, không bị hạn chế việc tập trung đông người. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này vẫn còn chậm khi mới chỉ có khoảng 20% dân số đã được tiêm đủ liều. 

Tại Đông Bắc Á, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Koichi Hagiuda khẳng định chính phủ sẽ không xem xét khả năng đóng cửa tất cả các trường học, từ cấp tiểu học cho đến trung học phổ thông, để khống chế dịch COVID-19.  

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hagiuda cho biết bộ sẽ tôn trọng quyết định kéo dài thời gian nghỉ Hè hoặc tạm thời đóng cửa trường học của các chính quyền địa phương do tình hình dịch bệnh không giống nhau giữa các khu vực. Ngày 20/8, chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận thêm 5.405 ca mới trong cộng đồng, ngày thứ 3 liên tiếp ở trên ngưỡng 5.000 ca/ngày.

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum thông báo quyết định gia hạn một số biện pháp hạn chế hoạt động đối với nhà hàng và quán cà phê để phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh nước này đang chật vật khống chế làn sóng thứ 4 của đại dịch. Cụ thể, ông Kim Boo-kyum cho biết từ ngày 23/8 tới, các quán cà phê và nhà hàng tại các vùng đang áp dụng lệnh giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) sẽ phải đóng cửa lúc 21h, sớm hơn 1 giờ so với quy định hiện nay. Tuy nhiên, chính phủ quyết định cho phép tổ chức các cuộc tụ tập riêng tư tại nhà hàng và quán cà phê với tối đa 4 người tham gia nếu 2 người trong số đó đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 và đã hình thành kháng thể sau 14 ngày.

Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng thông báo lao động tại các cơ sở có nguy cơ cao mắc COVID-19 sẽ được xét nghiệm thường xuyên. Nhà chức trách có kế hoạch tăng mức xử phạt hành chính đối với những người vi phạm các biện pháp phòng chống dịch. Theo ông Kim Boo-kyum, chính phủ sẽ tăng cường quản lý và sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc để điều trị tốt hơn cho các bệnh nhân COVID-19 và nhanh chóng đảm bảo thêm nhiều giường bệnh.

Liên quan đến các liệu pháp điều trị COVID-19, Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh cho biết cơ quan này đã cho phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng Ronapreve trong phòng ngừa và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo MHRA, Ronapreve là thuốc kháng thể đơn dòng đầu tiên được phê duyệt tại Anh để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Thuốc Ronapreve do công ty dược phẩm Roche của Thụy Sĩ và công ty công nghệ sinh học Regeneron của Mỹ hợp tác phát triển.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu (TGA), đơn vị quản lý y tế của Australia, đã phê duyệt việc sử dụng thuốc kháng thể Sotrovimab để điều trị bệnh nhân COVID-19. Phương pháp điều trị mới có thể giảm tới 79% tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong  ở người trưởng thành mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình. Thuốc được sử dụng thông qua truyền tĩnh mạch. Dự kiến, thuốc Sotrovimab sẽ được dùng để điều trị cho những người trên 55 tuổi mắc COVID-19 và cũng có một hoặc nhiều yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh nặng hơn như tiểu đường, béo phì, bệnh thận mãn tính, suy tim, bệnh phổi và hen suyễn từ trung bình đến nặng.

Theo Thanh Hương (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều