Toàn cảnh Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 (Ảnh: Xinhua)
Trước thềm Đại hội toàn quốc khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra từ ngày 18 đến 24/10/2017, Trung Quốc đã tổ chức hai kỳ họp quan trọng là Hội nghị toàn thể lần thứ 8 Ủy ban Kiểm tra kỉ luật Trung ương (ngày 9/10/2017) và Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (11-14/10/2017). Đại hội 19 là một mốc quan trọng đánh dấu “Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình”. Hai hội nghị quan trọng được triệu tập trước Đại hội 19 thể hiện tinh thần của Đại hội mới, đồng thời xác định các thành tựu mà Chủ tịch Tập Cận Bình có được trong nhiệm kỳ thứ nhất 5 năm qua.
Tại Đại hội, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng. Ông Tập đã đưa ra tầm nhìn mới cho cuộc chiến này khi trao đổi với hơn 2.000 đại biểu. Theo ông, Chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm của Trung Quốc đã bước sang một kỷ nguyên mới, đây là một hướng đi lịch sử trong sự phát triển của đất nước. Trung Quốc sẽ giải quyết việc tiếp cận thị trường đầu tư nước ngoài, mở rộng các lĩnh vực dịch vụ cũng như cải cách sâu rộng hơn về tỷ giá hối đoái và hệ thống tài chính, đồng thời tăng cường hoạt động của các công ty nhà nước. Ông Tập khẳng định rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc là hệ thống rộng nhất, chính xác và hiệu quả nhất để bảo vệ lợi ích cơ bản của người dân. Chính sách chống tham nhũng của ông Tập được đánh giá là đã “giải tỏa rất nhiều rủi ro cho Đảng và đất nước Trung Quốc”.
Cuộc chiến chống tham nhũng đã tạo ra một thế trận áp đảo và có những sự phát triển mạnh mẽ. Từ khi chiến dịch bắt đầu, đã có hơn 1,3 triệu quan chức bị trừng phạt và hàng chục cựu quan chức cao cấp bị giam giữ, trong đó có 250 quan chức cao cấp thuộc Đảng và Quân đội Trung Quốc cùng hơn 2 triệu quan chức cấp dưới đã bị điều tra. Từ tháng 12/2012 đến tháng 10/2017, có 18 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc (chiếm gần 9% trên tổng số) đã bị bắt vì cáo buộc tham nhũng. Cho đến nay, đã có 6 người chính thức bị kết án tù từ 12 năm đến chung thân.
Ông Tập Cận Bình - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 (Ảnh: VOV.VN).
Chiến dịch chống tham nhũng mang tính lịch sử của Trung Quốc đã chấm dứt sự nghiệp của hơn 150 quan chức Chính phủ, tướng lĩnh quân đội và người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước.
Tham nhũng ở Trung Quốc thường được biết đến dưới dạng những nhóm người có tổ chức, bao gồm nhóm các quan chức và các doanh nghiệp cấu kết chiếm dụng nguồn tài nguyên của quốc gia; chuyển đổi tài sản công vào tay tư nhân. Tham nhũng ở Trung Quốc bắt nguồn từ những yếu tố trong văn hóa chính trị đi kèm với hệ thống luật pháp còn yếu, sự tự chủ của các quan chức địa phương và một số mô hình kinh tế có quan hệ không rõ ràng. Học giả Trung Quốc Minxin Pei khẳng định: “Nếu quyền sở hữu tài sản rõ ràng hơn thì sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả hơn việc các quan chức khai thác tài sản công nhằm tư lợi cá nhân”.
Theo các chuyên gia, tham nhũng đã ăn vào gốc rễ của văn hóa chính trị Trung Quốc. Do đó, để đánh bật hoàn toàn những ung nhọt đã ăn sâu này không phải việc dễ dàng. Trưởng Khoa Trung Quốc học - thuộc Đại học Georgia, Hoa Kỳ - Andrew Wedeman cho rằng: “Thật khó để xác định liệu tất cả những “tiếng vang” của chiến dịch này có dẫn đến sự suy giảm đáng kể các trường hợp tham nhũng. Ngay cả khi chiến dịch dẫn tới sự suy giảm các vụ tham nhũng trong thời gian gần đây thì cũng không thể chắc chắn rằng các quan chức Trung Quốc có tiếp tục những hành vi phạm pháp của mình hay không. Chính quyền của Chủ tịch Tập có thể tuyên bố đã “chiến thắng” trong cuộc chiến này nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để tiêu diệt tận gốc tham nhũng và những thế lực đã “điều khiển nó”.
Trong năm 2018, Trung Quốc sẽ thành lập một ủy ban mới để giám sát việc mở rộng chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Triệu Lạc Tế - Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỉ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) khẳng định, trong chiến dịch chống tham nhũng cần “quét dọn sạch” tất cả các tàn dư và thiết lập một khuôn khổ pháp lý được thể chế hóa để ngăn chặn các hành vi tham nhũng của quan chức.
Người đứng đầu Chương trình chính sách công thuộc Viện nghiên cứu Mercator về Trung Quốc học Matthias Stepan cho biết, Ủy ban mới này sẽ tập trung vào những hành vi tham nhũng vật chất như nhận hối lộ, gian lận hoặc ưu đãi đối với người thân. Việc phân chia nhiệm vụ này sẽ giúp CCDI tập trung vào các vấn đề cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc làm việc cùng CCDI, cùng chia sẻ quyền lực, các nguồn lực và hợp nhất nhiều đơn vị khác nhau trong “cuộc chiến” này.
Báo cáo từ cơ quan Thông tấn Trung ương Trung Quốc cho biết, tất cả các tỉnh, khu vực và thành phố phải kết nối chặt chẽ với các hoạt động của vùng, tích hợp các kinh nghiệm cải cách thí điểm, thực hiện kế hoạch tổng thể theo quyết định của Ủy ban Trung ương Đảng và thúc đẩy sự hội nhập tổ chức.
Chỉ trong tháng 9/2017, có đến 6.187 quan chức bị xử lý kỷ luật vì vi phạm các quy định của Đảng. CCDI đã phát hiện các quan chức này có dính líu tới 4.506 vụ tham nhũng. Việc trao tặng các khoản trợ cấp hoặc tiền thưởng trái phép là hành vi phạm tội phổ biến nhất, tiếp theo là hình thức tặng quà, nhận quà tặng và lạm dụng xe công của quan chức. Tổng cộng có 47.005 quan chức có dính líu tới 33.471 trường hợp tham nhũng bị trừng phạt trong 9 tháng đầu năm 2017.
CCDI sử dụng một hệ thống báo cáo hàng tháng về việc thực hiện các quy định trong các chính quyền cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính Trung ương.
Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc mang tính lịch sử (Ảnh: CNN).
Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang định hình lại tầm quan trọng và thành phần của liên minh cầm quyền. Cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc dự kiến sẽ giành được quyền lực lớn hơn trong nỗ lực củng cố sự kiểm soát của Đảng Cộng sản nước này.
Bên cạnh đó, quyền lực của lực lượng cảnh sát cũng đã tăng lên nhiều dưới thời của Chủ tịch Tập. Việc lạm dụng bạo lực trong suốt quá trình thanh lọc đã dẫn tới có ít nhất 58.000 quan chức đã bị tra khảo bí mật - trong đó, các nghi can bị giam lỏng, tước bỏ hoàn toàn quyền công dân và có thể bị lấy cung bằng mốt số hình thức. Việc này đã vấp phải những phản ứng dữ đội từ phía Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, hình thức này sẽ được thay thế bằng việc giam giữ. Theo điều kiện hiện tại, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương có quyền triệu tập và giam giữ bất kỳ quan chức nào mà họ nghi ngờ vi phạm các quy tắc và quy định của Đảng.
Trong bài phát biểu của mình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá rằng hành vi tham nhũng là “những gì người dân phẫn nộ nhất” và mô tả nó như “mối đe dọa lớn nhất của Đảng”. Vậy nên, 5 năm tới đây, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục cam kết với chính sách “không khoan nhượng đối với tham nhũng” và nhấn mạnh thêm rằng các nghi phạm tham nhũng sẽ bị đuổi đến bất kể nơi nào mà họ ẩn náu.
Hồng Nhung