Việt Nam dự họp trực tuyến của HĐBA về đại dịch và an ninh

Tối 2/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã tham dự Cuộc thảo luận mở trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề "Đại dịch và An ninh" do Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas chủ trì.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng dự Cuộc thảo luận mở trực tuyến của HĐBA LHQ.

Phiên họp có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Peter Maurer và Cao ủy Liên minh Châu Phi phụ trách Vấn đề Xã hội Amira Elfadil Mohammed.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến hòa bình và an ninh trên thế giới, làm trì hoãn tiến trình chuẩn bị bầu cử ở nhiều quốc gia và làm gia tăng tình trạng căng thẳng, bạo lực và suy thoái kinh tế-xã hội ở nhiều khu vực, gây ra nguy cơ khủng bố sinh học đáng lo ngại, đồng thời tác động tiêu cực đến đời sống của người dân trên thế giới, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người phải di cư do xung đột.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hưởng ứng Lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với đại dịch và các thách thức an ninh chung, bảo đảm cứu trợ nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của người dân trên thế giới.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều bày tỏ quan ngại trước những tác động tiêu cực của Covid-19, đặc biệt ở những khu vực xung đột, hậu xung đột hoặc chịu ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng dịch bệnh có thể làm đảo ngược tiến trình phát triển, xây dựng hòa bình ở những quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi xã hội hậu xung đột. Vì vậy cộng đồng quốc tế cần tăng cường đoàn kết, phối hợp hành động để có biện pháp ứng phó toàn diện, bao trùm ở cấp độ toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với Covid-19 và phục hồi bền vững kinh tế-xã hội, nhấn mạnh các tổ chức đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc với vai trò trung tâm, có thể đóng vai trò chủ chốt trong điều phối những nỗ lực quốc tế phòng chống đại dịch.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng kêu gọi tất cả các bên trong xung đột tuân thủ Lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng Hội đồng Bảo an cần có thông điệp mạnh mẽ và hành động để giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa giải và đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các cuộc xung đột; hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an vừa thông qua Nghị quyết số 2532 về ứng phó với Covid-19, với 15/15 phiếu thuận.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho rằng, Hội đồng Bảo an cần chỉ đạo các Phái bộ Gìn giữ hòa bình và Phái bộ Chính trị đặc biệt trong việc hợp tác với các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ các quốc gia sở tại chống dịch và chuẩn bị ứng phó với những dịch bệnh có thể bùng phát trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc miễn các lệnh trừng phạt làm ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với Covid-19, mong muốn Hội đông Bảo an và các nước thành viên có biện pháp phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia đang bị trừng phạt vì lợi ích của người dân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết Việt Nam đã sớm có những biện pháp, hành động cụ thể nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực của dịch bệnh trên cơ sở huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị. Nhờ vậy, Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực trong kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và đảm bảo các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường.

Việt Nam cũng đã hỗ trợ kịp thời và chia sẻ kinh nghiệm chống dịch với nhiều quốc gia cũng như đóng góp tài chính cho Quỹ Ứng phó với Covid-19 của WHO.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh đoàn kết quốc tế và tăng cường chủ nghĩa đa phương chính là giải pháp giúp cộng đồng quốc tế vượt qua các thách thức trước mắt và đẩy mạnh quá trình thực hiện các mục tiêu đề ra theo Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc./.

Theo TTXVN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều