|
Người dân theo dõi vụ ông Abe Shinzo bị bắn qua báo chí tại Tokyo ngày 8/7. Ảnh: EPA-EFE |
Đó chính là thước đo để đánh giá mức độ hiếm có về bạo lực súng đạn, cũng là như mức độ chấn động mà vụ tấn công ông Abe Shinzo gây ra tại Nhật Bản, nơi quyền sở hữu súng được kiểm soát rất chặt chẽ.
Theo truyền thông địa phương, sáng 8/7, trong lúc cựu Thủ tướng Abe Shinzo đang có bài phát biểu trước một ga xe lửa ở thành phố Nara thì bị bắn trọng thương.
Kẻ tấn công đã sử dụng một khẩu súng ngắn tự chế để bắn súng vào ngực ông Abe, khiến ông ngã quỵ. Chính trị gia này đã được đưa đến một bệnh viện địa phương và hiện không còn dấu hiệu của sự sống, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng xác nhận người tiền nhiệm đang trong tình trạng nguy kịch.
Ông Hiromichi Watanabe, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) phát biểu tại trụ sở của đảng: “Đây là một cú sốc nghiêm trọng. Tôi không thể tin được chuyện này lại có thể xảy ra ở Nhật Bản”.
Các vụ xả súng không phổ biến ở quốc gia châu Á này, song không phải là chưa từng xảy ra. Theo Cơ quan Chính sách Quốc gia, năm 2021 đã xảy ra 10 vụ xả súng, phần lớn có liên quan đến đụng độ băng đảng, khiến một người chết và bốn người bị thương.
Đối với dân thường, việc sở hữu vũ khí - chủ yếu là súng trường và súng ngắn để chơi thể thao hoặc săn bắn - đòi hỏi quá trình cấp phép và kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt. Lực lượng cảnh sát thường được trang bị súng ngắn.
Nghi phạm bắn ông Abe được xác định là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi. Hắn ta đã bị bắt giữ ngay sau khi hành động. Tetsuya Yamagami khai nhận với cảnh sát rằng ông ta chủ ý sát hại ông Abe vì không hài lòng về chính trị gia này.
|
Nghi phạm tấn công cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị lực lượng an ninh bắt giữ tại hiện trường ngày 8/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo đài NHK, nghi phạm Yamagami từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong 3 năm và hiện cư trú tại thành phố Nara. Cảnh sát Nhật Bản cho biết Yamagami đã bị bắt giữ tại hiện trường với cáo buộc âm mưu giết người.
Là một cựu Thủ tướng, xung quanh ông Abe luôn có đội an ninh bảo vệ cùng lá chắn chống đạn. Các bản tin truyền hình cho thấy tại hiện trường có một vật thể giống như hai chiếc ống dài được quấn băng đen nằm trên mặt đất, được cho là một thứ vũ khí tự chế.
Theo trang GunPolicy.org, tổng số súng mà người dân thường Nhật Bản sở hữu là 310.400 khẩu vào năm 2019, tương đương với tỷ lệ 0,25 khẩu trên 100 người. Đây là mức thấp nhất trong số các nước thuộc nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G-7).
Con số này có phần nhỏ bé khi so sánh với tổng số 393 triệu khẩu súng ở Mỹ, tương đương tỷ lệ 120 khẩu trên 100 người, và 3,2 triệu khẩu, tương đương 5 khẩu trên 100 người ở Anh.
Năm 1932, Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Tsuyoshi Inukai đã bị sát hại tại văn phòng bởi một nhóm lính Hải quân âm mưu gây chiến với Mỹ. Họ cũng đã tìm cách giết hại danh hài Charlie Chaplin, người đang thăm Nhật Bản vào thời điểm đó.
Lần gần nhất một chính trị gia bị bắn và bị sát hại là vào năm 2007. Nạn nhân là thị trưởng của thành phố Nagasaki.
|
Các nhân viên y tế đưa một người đàn ông được cho là ông Abe Shinzo đi cấp cứu ở thành phố Nara. Ảnh: Reuters |
|
Nhân viên điều tra tại hiện trường. Ảnh: EPA-EPE |
Hoàng Trang/Báo Tin tức