Thách thức Hiến pháp
Trong một trích đoạn phỏng vấn của chương trình Axios phát trên kênh HBO ngày 30.10, Tổng thống Trump cho rằng, Mỹ là nước duy nhất trên thế giới cho phép người nước ngoài đến để sinh con và đứa trẻ lập tức trở thành công dân Mỹ với đầy đủ quyền lợi trong suốt 85 năm. Ông Trump còn chia sẻ thêm trên mạng xã hội Twitter rằng, quy chế cấp quyền công dân cho trẻ sinh ra trên lãnh thổ Mỹ gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nước này. Đây là điều nực cười, bất công bằng với công dân Mỹ và cần phải chấm dứt. Đề xuất này, nếu được biến thành hành động, sẽ là động thái quyết liệt nhất nhằm siết chặt chính sách nhập cư mà Tổng thống Trump đưa ra kể từ khi tiếp quản nhiệm sở.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump đề cập tới ý định chấm dứt chính sách cấp quyền công dân cho trẻ em chào đời tại Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 19.8.2015, khi còn vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump từng nêu lên quan điểm không đồng tình với việc cấp quyền công dân tự động cho những trẻ em sinh ra ở Mỹ mà bố mẹ là người nhập cư bất hợp pháp.
Hiến pháp Mỹ ghi nhận quyền công dân cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, bất kể bố mẹ chúng là công dân hay người nhập cư bất hợp pháp hoặc không cư trú tại nước này. Theo Tu chính án thứ 14, tất cả những người được sinh ra hay nhập quốc tịch tại Mỹ, và theo đó thuộc quyền hạn pháp lý, là công dân Mỹ. Trung tâm Nghiên cứu chính sách nhập cư cho biết, Mỹ không phải quốc gia duy nhất mà ít nhất 30 quốc gia khác, trong đó có Canada và Mexico, có chính sách tương tự về cấp quyền công dân cho trẻ sinh ra trên lãnh thổ.
Đề xuất của Tổng thống Trump lập tức làm dấy lên tranh cãi. Michael Anton, cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ lập luận, đề xuất của ông Trump nhắm vào những trường hợp trẻ em sinh ra tại Mỹ có bố mẹ là người nhập cư không có giấy tờ. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của ông Trump, ủng hộ đề xuất chấm dứt chính sách tự động cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh vì cho rằng, chính sách này là “thỏi nam châm” thu hút người nhập cư bất hợp pháp, làm tăng dân số và nhiều vấn đề kéo theo.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan bác bỏ đề xuất của ông Trump và nhấn mạnh, Tổng thống không thể ngừng cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh bằng một sắc lệnh hành pháp. Giới luật gia nhận định, đề xuất của ông Trump có thể châm ngòi cho một cuộc chiến pháp lý mới với Nhà Trắng, xoay quanh giới hạn về quyền ban hành sắc lệnh hành pháp của Tổng thống, cũng như cách giải thích Tu chính án thứ 14 liên quan đến vấn đề cấp quốc tịch cho trẻ em sinh ra trên đất Mỹ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội Twitter, ông Trump tuyên bố sẵn sàng đưa vấn đề này ra Tòa án Tối cao, nhằm phán xử tính hợp Hiến của sắc lệnh hành pháp trong việc từ chối cấp quyền công dân tự động cho trẻ em sinh ra tại Mỹ có cha mẹ là người nhập cư bất hợp pháp.
Gây chú ý trước thềm bầu cử
Đề xuất của Tổng thống Trump được đưa ra tại thời điểm vấn đề nhập cư đang hâm nóng bầu không khí chính trị ở Mỹ. Những tuần gần đây, ông Trump không ngừng đề cập tới vấn đề nhập cư, khi đoàn caravan gồm hàng nghìn người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ, chủ yếu là người Honduras và Guatemala, đang “hành quân” tới gần biên giới Mỹ - Mexico, nhằm tìm cách vượt biên sang Mỹ. Sức ép từ dòng người di cư dồn về biên giới phía Nam là lý do để Tổng thống Trump không ngừng chỉ trích những khiếm khuyết trong hệ thống nhập cư của Mỹ và đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì thiếu hành động nhằm sửa chữa những khiếm khuyết này.
Đầu tuần qua, các quan chức của Lầu Năm Góc và Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới cho biết, Tổng thống Trump đã chỉ thị điều thêm 5.200 binh sĩ nhằm tăng cường kiểm soát biên giới với Mexico, trước khi đoàn caravan di cư từ Trung Mỹ đến. Ngày 30.10, Tổng thống Trump cho biết, sẽ điều thêm khoảng 10.000 - 15.000 binh sĩ đến biên giới phía Nam, nhằm ngăn người di cư trái phép vào Mỹ.
Những diễn biến dồn dập này cho thấy chính quyền Tổng thống Trump muốn thể hiện sự quyết liệt và cứng rắn trong vấn đề nhập cư, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Đây được coi là giai đoạn nước rút để các ứng cử viên của cả hai đảng tranh thủ ghi điểm nhằm giành lá phiếu của cử tri. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy càng đến gần ngày bầu cử, sự chênh lệch cũng như khoảng cách giữa hai đảng càng được rút ngắn, khiến cuộc đua trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.
Đối với Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa của ông, các biện pháp mạnh tay với người nhập cư nằm trong chiến lược trọng tâm nhằm hiện thực hóa những cam kết mà ông chủ Nhà Trắng đưa ra khi tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Chính những cam kết này phần nào giúp nhà lãnh đạo với những tuyên bố cứng rắn và gây tranh cãi về người nhập cư lấy lòng được bộ phận cử tri chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu da trắng, bất mãn với những gì mà chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama thể hiện. Vì vậy, vấn đề nhập cư một lần nữa được Tổng thống Trump sử dụng để làm vũ khí trong cuộc đua giành lá phiếu của cử tri.
Theo Nhật An/Báo Đại biểu Nhân dân