Người thân của hành khách trên máy bay Lion Air gặp nạn. Ảnh: Guardian.
Một lãnh đạo hàng không của Indonesia tiết lộ, phi công của chiếc máy bay Lion Air chở 189 người bị rơi hồi cuối tháng 10 đã chiến đấu hết mình để cứu máy bay trước khi máy bay đột ngột ngừng hoạt động và lao thẳng xuống biển.
Phát biểu trước quốc hội Indonesia ở Jakarta, ông Nurcahyo Utomo - lãnh đạo phụ trách hàng không của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia nước này - cho biết, dữ liệu được lấy từ máy bay cho thấy phi công đã "liên tục chiến đấu" cho đến cuối chuyến bay, theo tờ The Australian.
Ông Nurcahyo cũng xác nhận, chiếc máy bay gặp nạn đã gặp những sự cố tương tự trên chuyến bay ngày trước đó từ Denpasar đến Jakarta. Tuy nhiên, may mắn là trong chuyến bay đó, phi công đã xoay sở để kiểm soát được máy bay hoàn thành lộ trình an toàn.
Hiện cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục để tìm hiểu nguyên do chiếc máy bay Boeing 737 Max đời mới nhất, do hãng hàng không lớn nhất Indonesia vận hành, đã lao xuống biển chỉ ít phút sau khi cất cánh.
Trong thông tin chi tiết về những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay, ông Nurcahyo cho hay, dữ liệu từ thiết bị ghi hành trình bay cho thấy, chiếc Boeing 737 Max đã gặp những vấn đề về kỹ thuật khi cả cơ trưởng và cơ phó nhận được những chỉ báo tốc độ khác nhau.
Sau đó, máy bay bắt đầu thay đổi độ cao đột ngột, đạt đến độ cao hơn 1.500m trước khi có dữ liệu sai từ một trong những cảm biến khiến máy bay đột ngột dừng lại giữa không trung.
Khi máy bay bắt đầu bổ nhào xuống, phi công đã nỗ lực để điều chỉnh, giữ máy bay tiếp tục trên không nhưng "việc khó kiểm soát máy bay càng lúc càng tăng lên", vô lăng trở nên quá nặng khiến phi công không thể điều khiển bằng tay, sau đó máy bay rơi tự do, theo ông Nurcahyo. Máy bay rơi xuống biển với vận tốc lên tới hơn 600km/h.
Phân tích từ máy ghi dữ liệu cho thấy chiếc Boeing 737 không có vấn đề về động cơ. Các nhà điều tra vẫn đang tìm kiếm máy ghi âm buồng lái để tìm câu trả lời về thảm kịch này.
Theo Thanh Hà/Báo Lao động