|
(Ảnh minh họa: Reuters) |
Theo ước tính trong 1 tài liệu của WHO, trong 135 triệu nhân viên y tế trên toàn cầu, khoảng 80.000 đến 180.000 nhân viên có thể đã tử vong do Covid-19 trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021.
Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng các nhân viên chăm sóc sức khỏe cần được tiêm ngừa Covid-19 đầu tiên. Ông cũng phê phán tình trạng bất công trong tiếp cận vaccine.
Theo dữ liệu của 119 quốc gia, trung bình trong 5 nhân viên y tế thì có 2 người được tiêm chủng đầy đủ. Song, ông Ghebreyesus nhấn mạnh đây là con số trung bình, trên thực tế có sự chênh lệch giữa các khu vực và nhóm kinh tế.
Thí dụ, tại châu Phi, chưa có đủ 1/10 nhân viên y tế được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, tại các quốc gia có thu nhập cao, hơn 80% nhân viên y tế đã được tiêm đủ liều.
Ông Ghebreyesus hối thúc: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia bảo đảm rằng mọi nhân viên y tế đều được ưu tiên tiêm ngừa Covid-19 cùng với các nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm virus”.
Bà Annette Kennedy, Chủ tịch Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (ICN), cho biết ICN đau buồn trước sự ra đi của những nhân viên y tế trong đại dịch. “Hiện các nhân viên y tế đang bị kiệt sức cả về thể chất và tinh thần. Dự báo 10% nhân lực sẽ từ bỏ công việc trong một thời gian rất ngắn”.
WHO mong muốn đến cuối năm nay, tất cả các quốc gia trên thế giới hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số. Tuy nhiên, ông Ghebreyesus cho rằng, 82 nước đang có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu này, chủ yếu do thiếu nguồn cung vaccine ngừa Covid-19.
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, hiện là Đại sứ WHO về vấn đề tài chính y tế toàn cầu, nhận định Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra vào ngày 30 và 31/10 tới tại Rome (Italy), sẽ là sự kiện quan trọng đối với cuộc chiến chống đại dịch.
Theo H.H / Báo Nhân dân