Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, thành phố Berlin đã được xây dựng lại và luôn chứng tỏ tầm quan trọng là trung tâm kinh tế và văn hóa của đất nước. Berlin là không gian kết hợp phong cách kiến trúc chiết trung giữa cổ điển và hiện đại, các điểm vui chơi giải trí năng động, trung tâm mua sắm, trung tâm thể thao, văn hóa.
Cổng Brandenburg (Ảnh: Planet Ware)
Những địa điểm du lịch nổi tiếng làm nên thương hiệu du lịch cho thành phố Berlin phải kể đến cổng Brandenburg, nơi ghi dấu thăng trầm lịch sử; Bức từng Berlin và Bảo tàng Checkpoint Charlie; lâu đài Charlottenburg; Quảng trường Gendarmenmarkt; đại lộ Unter den Linden; tòa nhà Reichstag; nhà thờ tưởng niệm Kaiser Wilhelm…
Bức tường Berlin (Ảnh: Planet Ware)
Bên cạnh đó, Berlin còn giữ vị trí chiến lược đối với rất nhiều công ty đa quốc gia lớn trên thế giới. Nơi đây cũng là vị trí kinh tế then chốt cho những công ty sáng tạo tầm cỡ và là khu vực quan trọng cho các nhà sáng lập các doanh nhân. Deutsche Bahn, Air Berlin Gruppe (hãng hàng không quốc gia lớn thứ hai nước Đức) và Globe Ground Berlin Group có trụ sở chính tại đây. Lufthansa, Condor Berlin của Thomas Cook, Marriot Group và Accor Hotellerie là những công ty hàng đầu ở Berlin. Chuỗi các khách sạn quốc tế Holiday Inn, Accor, Radisson, Dorint và Van der Falk cũng như các công ty du lịch nước ngoài khác như Locaboat, Crown Blue Line và Kuhnle Tours đã đầu tư vào thị trường này.
Lâu đài Charlottenburg (Ảnh: Planet Ware)
Theo thống kê, khoảng 380.000 người đang làm việc trong ngành du lịch ở Berlin, ngoài ra còn có hơn 13.000 người đang khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Thị trường lao động ở Berlin cung cấp cho các nhà đầu tư số lượng lớn lao động có năng lực và linh hoạt. Người dân thuộc 180 quốc gia, vùng lãnh thổ đã coi Berlin là ngôi nhà của họ và họ cung cấp cho ngành du lịch Berlin những nhân lực có kỹ năng ngoại ngữ thuần thục và đa dạng. Có ít nhất 77% người lao động trong ngành du lịch ở Berlin có thể nói từ 2-5 ngôn ngữ. Và khoảng 89,5% người dân ở Berlin đã từng làm việc cho một công ty quốc tế.
Tại Berlin, các nhà đầu tư đã có một loạt các cơ hội phát triển kinh doanh vào lĩnh vực bất động sản từ các văn phòng đến các dự án công nghiệp, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, khách sạn và các trung tâm giải trí mới. Khu vực này còn có nhiều không gian thương mại, công nghiệp, văn phòng ở tất cả các vị trí và quy mô có chi phí thấp hơn các khu vực đô thị khác ở châu Âu.
Quảng trường Gendarmenmarkt (Ảnh: Planet Ware)
Để du lịch Berlin phát triển theo hướng bền vững, chính quyền thành phố đã đưa ra tuyên bố về “Biến đổi Du lịch” được công bố vào tháng 3 vừa rồi, với cam kết đạt được tầm nhìn của Chương trình Nghị sự năm 2030 về Phát triển Bền vững vì một thế giới công bằng, toàn diện và bình đẳng. Sẽ không thể đạt được những mục tiêu phát triển bền vững nếu không có những đổi mới tích cực trong lĩnh vực du lịch. Việc đưa lĩnh vực du lịch vào Chương trình Nghị sự 2030 là sự thừa nhận về tầm quan trọng toàn cầu của ngành này.
“Du lịch bền vững” được nhắc đến 4 lần trong Chương trình Nghị sự 2030; tuy nhiên, các tổ chức xã hội dân sự không ủng hộ thuật ngữ này bởi thiếu yếu tố con người là trung tâm tiếp cận. Phát triển du lịch cần góp phần vào việc nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương, nhân phẩm của người lao động, bảo vệ toàn vẹn môi trường cũng như việc loại bỏ sự bất bình đẳng, bóc lột, nghèo đói. Đây là một lựa chọn có ý nghĩa cho sự phát triển bền vững trong ngành du lịch ở các quốc gia nói chung và Berlin nói riêng. Phát triển du lịch không phải là mục tiêu cuối cùng mà là tất cả mọi sự nỗ lực tập trung vào việc chuyển đổi du lịch một cách bền vững.
Tòa nhà Reichstag (Ảnh: Planet Ware)
Trong đó, việc tăng trưởng du lịch thiếu kiểm soát ngày càng nguy hiểm bởi sự quản lý lỏng lẻo ở cấp quốc tế, quốc gia và địa phương trên toàn thế giới. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng hiện tại, khiến các cộng đồng dân cư phải di dời, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, đe dọa đến các thế hệ tương lai, quyền của phụ nữ, trẻ em, người dân bản địa đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự phát triển du lịch thiếu quản lý.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người nghèo. Do đó, du lịch vừa là một động lực vừa là “nạn nhân” của sự biến đổi khí hậu. Mô hình du lịch hiện nay thường phụ thuộc phần lớn vào vận tải đường hàng không và các chuyến đi ngắn, không thực hiện được vai trò đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Nhà thờ tưởng niệm Kaiser Wilhelm (Ảnh: Planet Ware)
Các thành phố du lịch lớn như Berlin cần tập trung vào những sự chuyển đổi trong hành động và phát triển các giải pháp công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính. Mặc dù sự phát triển công nghệ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ du lịch quy mô nhỏ có thể kết nối trực tiếp tới khách hàng của họ nhưng một mối lo ngại về việc biến đổi, hiện thực hóa những thứ mà bình thường không dùng làm hàng hóa trở thành hàng hóa trên mạng xã hội ngày càng tăng. Ngoài ra, cơ cấu sở hữu doanh nghiệp phức tạp ngày càng tăng, chuỗi giá trị rắc rối và mô hình tài chính không rõ ràng cần đòi hỏi nhiều hơn sự điều chỉnh, minh bạch.
Cũng trong lĩnh vực du lịch, xu hướng thu hẹp không gian sinh sống của người dân được các nhà bảo vệ nhân quyền đặc biệt quan tâm. Quyền sử dụng đất và quyền lợi của người lao động, quyền trẻ em và lợi ích của người dân bản địa đều phải liên quan chặt chẽ đến những thách thức của phát triển du lịch bền vững.
Thu Anh