Theo đó, 140 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Các tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được trao vào dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) năm nay, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Lượng tác phẩm dự giải cao nhất
Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, đồng chí Thuận Hữu cho biết, qua 14 năm tổ chức, Giải Báo chí quốc gia ngày càng nhận được sự quan tâm và tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước.
Đặc biệt, mùa giải năm nay, các ban giúp việc của Hội đồng giải và Hội đồng sơ khảo đã nỗ lực cố gắng làm việc trong thời gian cả nước căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội; triển khai các công việc chấm sơ khảo với tiến độ sớm hơn một tuần so với năm trước, đúng yêu cầu của quy trình tổ chức giải và điều lệ giải.
Tham dự giải năm nay có hơn 110 đơn vị cấp hội, 230 cộng tác viên với 59/63 hội nhà báo tỉnh, thành phố. Kết quả, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn và trình lên Hội đồng chung khảo danh sách 140 tác phẩm thuộc 11 loại giải, được lựa chọn từ 1.602 tác phẩm đủ điều kiện dự giải so với năm 2018 là 1.671 tác phẩm, chọn vào chung khảo 147 tác phẩm. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải ở mức cao từ trước đến nay.
Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14, phát biểu khai mạc.
Lần đầu tiên chấm online
Các tác phẩm dự giải đã phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước trong năm 2019. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực. Đây cũng là lần đầu tiên thực hiện việc chấm online toàn bộ các tác phẩm (trừ báo in).
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi vòng sơ khảo cho thấy, về nội dung, các tác phẩm dự giải phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019. Nổi bật là: việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đặc biệt, báo chí tuyên truyền về 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng tiếp tục được đề cập, như: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý cán bộ sai phạm; vấn đề an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội; cải cách hành chính, chính sách và cuộc sống...
Về chất lượng các tác phẩm nhiều kỳ (nhất là báo in) chiếm tỷ lệ ngày càng cao, cho thấy đề tài được đầu tư công phu, bài bản. Phát thanh, truyền hình có nhiều tương tác với công chúng hơn. Một số tác phẩm khai thác thế mạnh của internet khi làm chương trình, giúp công chúng có thể tham gia, góp ý. Đối với báo điện tử, hình thức thể hiện mới, hiện đại của báo chí điện tử như megastory,... tiếp tục được sử dụng nhiều hơn.
Theo Phúc Quân/Báo Nhân dân