|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Ảnh: Quochoi.vn |
Trong đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới có 19 tiêu chí. Cụ thể, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí (1- Quy hoạch); nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí (2- Giao thông; 3-Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4-Điện; 5-Trường học; 6-Cơ sở vật chất văn hóa; 7-Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8-Thông tin và truyền thông; 9-Nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (10-Thu nhập; 11-Nghèo đa chiều; 12-Lao động; 13-Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn); nhóm Văn hóa-Xã hội-Môi trường có 6 tiêu chí (14-Giáo dục và Đào tạo; 15-Y tế; 16-Văn hóa; 17-Môi trường và an toàn thực phẩm; 18-Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 19-Quốc phòng và an ninh).
Với mỗi tiêu chí, Quyết định quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai có các nội dung: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên; đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.
Về thu nhập bình quân đầu người năm 2022, chỉ tiêu chung là từ 48 triệu đồng/người trở lên; còn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ là từ 39 triệu đồng/người trở lên; vùng Đồng bằng sông Hồng là từ 53 triệu đồng/người trở lên; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là từ 44 triệu đồng/người trở lên; vùng Đông Nam Bộ là từ 62 triệu đồng/người trở lên; Đồng bằng sông Cửu Long là từ 53 triệu đồng/người trở lên.
Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn gồm các nội dung: Xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Tiêu chí về y tế có 4 nội dung: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ); xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi); tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử.
Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm gồm các nội dung: Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn; không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định...
19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao
Quyết định cũng quy định cụ thể xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025:
1. Là xã đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
2. Đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, gồm: 1-Quy hoạch; 2-Giao thông; 3-Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4-Điện; 5-Giáo dục; 6-Văn hóa; 7-Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8-Thông tin và Truyền thông; 9-Nhà ở dân cư; 10-Thu nhập; 11- Nghèo đa chiều; 12-Lao động; 13-Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 14-Y tế; 15-Hành chính công; 16-Tiếp cận pháp luật; 17- Môi trường; 18-Chất lượng môi trường sống; 19-Quốc phòng và An ninh.
Trong đó, về tiêu chí quy hoạch có các nội dung: Có quy hoạch chung xây dựng xã còn thời hạn hoặc đã được rà soát, điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; có quy chế quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch; có quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch cấp trên.
Tiêu chí giao thông gồm các nội dung: Tỷ lệ đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng-xanh-sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định; tỷ lệ đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp: Được cứng hóa và bảo trì hàng năm; có các hạng mục cần thiết theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; tỷ lệ đường ngõ, xóm được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Về thu nhập bình quân đầu người năm 2022, chỉ tiêu chung là từ 58 triệu đồng/người trở lên; còn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ là từ 47 triệu đồng/người trở lên; vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long là từ 64 triệu đồng/người trở lên; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là từ 52 triệu đồng/người trở lên; vùng Đông Nam Bộ là từ 76 triệu đồng/người trở lên.
Đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc huyện nghèo và huyện vừa thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, mức đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng quản lý nhà nước, công bố chỉ tiêu cụ thể và ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2021-2025 trong thời gian 30 ngày kể từ ngày 8/3/2022.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, quy định cụ thể đối với các nhóm xã phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mức đạt chuẩn không thấp hơn so với quy định của Trung ương, gắn xây dựng nông thôn mới với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn, từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của đô thị văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, bình yên, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Phân công Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao sau đạt chuẩn trên địa bàn để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững.
Đối với xây dựng nông thôn mới thôn, bản, ấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động xây dựng tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội các cộng đồng thôn, bản, ấp trên địa bàn để ban hành và chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đồng bộ với tiêu chí nông thôn mới cấp xã.
Theo TTXVN/Báo Tin tức