Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi).
Có nên tách hai luật?
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình tại phiên họp (Ảnh: TTXVN) |
Trình bày tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) thay thế Luật GTĐB năm 2008 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về GTĐB.
So với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh, theo đó Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) quy định về GTĐB gồm kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB.
Các quy định về quy tắc GTĐB, người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB, đăng ký phương tiện GTĐB, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) mà sẽ được chuyển sang Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB do Bộ Công an chủ trì dự thảo, sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 16/9.
Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc tách thành 2 luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị ban soạn thảo giải trình rõ hơn về việc tách thành 2 dự án Luật, trên thế giới có tách 2 luật như thế này không? Theo ông Bình, hiện nay cũng có trường hợp là trong một tổng thể làm 2 luật để 2 bộ quản lý khác nhau dẫn đến sự thống nhất trong sự quản lý hệ thống rất phức tạp.
“Tôi đề nghị phía Chính phủ cho biết rằng chúng ta tách ra để dễ quản lý, bộ nào quản lý bộ đó hay là chúng ta làm một luật để điều chỉnh tổng thể trong một lĩnh vực và Chính phủ có nhiệm vụ điều phối các bộ ngành thực hiện luật đó?” – ông Bình đề nghị.
Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện, chúng ta có 5 luật giao thông, bao gồm các luật GTĐB, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa. Theo bà Nga, về thực chất, các luật này là kết cấu tổng thể mà 1 trong các mục tiêu là đảm bảo trật tự ATGT trên các lĩnh vực đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ băn khoăn về việc tách 2 luật này, trong khi đó hiện nay trong kết cấu của các luật này thì nó là một tổng thể thống nhất. “Khi tách phạm vi điều chỉnh, trong tờ trình, Chính phủ nói kết cấu hạ tầng giao thông giờ chuyển qua luật Giao thông gồm kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông, quản lý an toàn phương tiện… Tuy nhiên, hệ thống báo hiệu đường bộ để cho người ta đi đúng trật tự và một trong những mục tiêu là đảm bảo trật tự. Tổ chức giao thông cũng đảm bảo trật tự, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông cũng đảm bảo trật tự”, bà Nga nói.
Bà Nga cũng đặt câu hỏi, nếu tách luật này thì với 4 luật còn lại có tách không? “Luật hàng không với đảm bảo trật tự an toàn hàng không cũng cực kỳ quan trọng, đường sắt cũng cực kỳ quan trọng. Đề nghị Chính phủ có trả lời sau này sẽ thế nào với các luật này”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ví dụ.
Vấn đề khác được bà Nga đặt câu hỏi là những vấn đề mất trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông nghiêm trọng, những hạn chế liên quan đến vận tải đường bộ, BOT, thu phí không dừng... thì lỗi có phải là do không tách 2 luật này ra không?. Tách ra thì có giải quyết được vấn đề lỗi không? Bà Nga cho biết, quan điểm cá nhân của bà là không nên tách để đảm bảo kết cấu tổng thể để điều chỉnh cho dễ và thông suốt từ khi làm luật. Còn việc phân công trách nhiệm của từng bộ, ngành, đề nghị Chính phủ đề xuất và Quốc hội có thể chấp nhận chứ không nhất thiết phải tách ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn về việc tách luật ra thì sau này có bảo đảm được trật tự giao thông được tốt hơn hay không?. Cùng với đó, ông Thanh cho rằng, xu hướng là phát triển hệ thống đường cao tốc, các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc với tốc độ rất cao, rất đặc thù nhưng chưa có luật riêng về đường cao tốc. Trong bối cảnh đó, ông đề nghị nên có một chương riêng về vấn đề này.
Tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đường bộ
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, việc tách hay không tách 2 luật đã được Chính phủ đã bàn rất kỹ.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, về mặt chính trị, Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư và Kết luận 45 của Bộ Chính trị đã đưa ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, ATGT phù hợp với tình hình mới.
Về ý kiến của các đại biểu về việc có tách các luật khác hay không, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho hay, báo cáo đánh giá của Bộ Công an cho thấy, hơn 90% các tai nạn xảy ra trong lĩnh vực GTĐB còn các lĩnh vực hàng không, đường thủy, hàng hải thì rất ít. Việc có đặt ra vấn đề sửa đổi hay tách các luật khác phải dựa trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành của các luật. Mục tiêu của bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người. Còn việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý kết cấu hạ tầng, tức là giao thông tĩnh thì thuộc các lĩnh vực về kỹ thuật nhiều hơn để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, yếu tố kỹ thuật cho hoạt động giao thông phục vụ phát triển kinh - tế xã hội.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, để 1 luật hay 2 luật kỹ thuật lập pháp không thực sự có vấn đề vì đến nay 2 bộ đã thống nhất và các điều khoản của 2 dự thảo luật có tách bạch dù còn 1 số giao thoa giữa giao thông tĩnh và động nhưng giữa những lĩnh vực giao thoa đó đã có các biện pháp kỹ thuật để quy định.
Ngoài ra, về kinh nghiệm quốc tế, bà cho biết, Hàn Quốc có 10 luật khác nhau quy định về lĩnh vực GTĐB.
|
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia phát biểu ý kiến (Ảnh: TTXVN) |
Tại phiên họp, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng khẳng định nhiều quốc gia trong lĩnh vực đường bộ có rất nhiều luật, mà Hàn Quốc là một ví dụ khá điển hình.
Trước ý kiến lo lắng là tại sao chỉ làm luật về an toàn giao thông đường bộ, ông Khuất Việt Hùng nhắc lại, tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đường bộ. “Liên Hợp quốc và tất cả các quốc gia quan tâm đến an toàn giao thông vì thực tế tai nạn giao thông ở những lĩnh vực khác có nhưng chủ yếu là đường bộ. Tất cả các nghị quyết về an toàn giao thông của Liên Hợp quốc đều là Nghị quyết về an toàn giao thông đường bộ. Tính toán chi phí xã hội liên quan đến an toàn giao thông hiện nay, GDP thiệt hại là do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, chứ không tính những lĩnh vực khác” - ông Khuất Việt Hùng thông tin.
Bên cạnh đó, theo ông, tai nạn giao thông đường bộ thực sự đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng của toàn cầu, đứng thứ 7 về thương vong cho con người và gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong tất cả các loại tai nạn thương tích.
Từ phân tích trên, ông khẳng định, Chính phủ đặt vấn đề chọn việc xây dựng một luật riêng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một cách tiếp cận phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và cũng là xu thế xây dựng pháp luật về đường bộ của nhiều nước.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc rất kỹ vấn đề tách luật giao thông đường bộ thành 2 luật để đảm bảo tính thống nhất, tổng thể trong hệ thống pháp luật./.
Theo Kim Thanh/Báo điện tử Đảng Cộng sản