Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài.
Phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp rất quan trọng của công tác truyền thông, báo chí trong phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định đó cũng là truyền thống, là món quà quý giá để có những sản phẩm thiết thực nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về phòng, chống Covid-19. Bức ảnh được chụp tại Lễ phát động "Toàn dân ủng hộ phòng, chống Covid-19" của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu xem bộ ảnh được phóng viên ảnh Quang Vinh - Báo Đại đoàn kết chụp.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu tháng 2 đến hết tháng 5/2020, các cơ quan báo chí cả nước đã đăng tải 560 nghìn tin, bài về dịch bệnh Covid-19. Trong đó, tin bài mang tính tích cực chiếm gần 42%, trên 35% thông tin trung lập và trên 22% tin bài mang tính tiêu cực. Tính đến hết tháng 5, đã có hơn 10.000 tin, bài về dịch bệnh Covid-19 được phát sóng trên 5 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, trong đó có kênh Truyền hình Thông tấn - VNews. Báo chí đã thể hiện vai trò xung kích, chấp hành đúng các quy định pháp luật và sự chỉ đạo, định hướng thông tin của các cơ quan chức năng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, đưa nhiều bằng chứng để khẳng định Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành của Việt Nam đã, đang làm hết sức mình để phòng ngừa, kiểm soát bằng được dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự đóng góp to lớn, trực tiếp, nhiều mặt của các cơ quan truyền thông, báo chí của nước nhà đã góp phần quan trọng vào chiến thắng trong công tác phòng, chống Covid-19, một đại dịch toàn cầu hơn 100 năm mới xuất hiện một lần.
Thủ tướng cho rằng, trong mọi cuộc cách mạng, vai trò của truyền thông thông tin có ý nghĩa rất quan trọng. Bày tỏ vui mừng được gặp gỡ các cán bộ tuyên giáo, thông tin, các nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ, phóng viên, biên tập viên tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng đây là một lực lượng với nhiều "quân binh chủng" mạnh và có vai trò hết sức quan trọng trong chiến dịch phòng, chống Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Đề cập đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm toàn bộ chiến dịch phòng, chống Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh những quyết sách quan trọng như: "Chống dịch như chống giặc", "thà hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để đảm bảo sức khỏe của nhân dân"; "cách ly tập trung", sử dụng doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam mà trước hết các trường học, các trường quân sự của tỉnh, của quân khu; "khóa chặt từ bên ngoài, tích cực chữa trị bên trong"'; "dập dịch tích cực"; "đi từng ngõ, gõ từng nhà"; "thần tốc, thần tốc hơn nữa"… Toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị đều vào cuộc, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chống dịch, hạn chế tối đa lây nhiễm cho cộng đồng, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, cách thức truyền thông đa dạng, sinh động, vừa đảm bảo kỷ luật thông tin, không gây kích động trong xã hội, nhất là các đô thị lớn, nhưng lại đủ để đảm bảo người dân không chủ quan và chấp hành tốt việc phòng, chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ động, công tác phối hợp của MTTQ Việt Nam trong vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; vận động tổ chức, cá nhân đóng góp tới 2.000 tỷ đồng giúp Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách trong công tác này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen cho Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Thủ tướng nhắc đến hai kết quả quan trọng: Số người nhiễm trên bình quân số dân ở Việt Nam là thấp nhất và chi phí cho công việc này là thấp nhất. Đặc biệt là "điều thần kỳ" và may mắn là không có người nào tử vong vì Covid-19 trên đất nước Việt Nam. Nhắc đến trường hợp bệnh nhân là phi công người Anh được hàng chục người dân Việt Nam tình nguyện hiến phổi để chữa trị và việc bố trí máy bay chở các lưu học sinh và kiều bào từ nước ngoài về nước vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh đến văn hóa của người Việt Nam, tình cảm và truyền thống của dân tộc Việt Nam "lá lành đùm lá rách", nhân văn, nhân ái.... Hay những hình ảnh các cụ già, em nhỏ, những người nông dân trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng vẫn tình nguyện đóng góp tài sản, vật chất cho công tác phòng, chống dịch... Những hành động, việc làm này cũng đã được xuất hiện trên nhiều bài báo trong nước và quốc tế và đem lại hiệu quả rất tốt trong xã hội.
Thủ tướng khẳng định, toàn hệ thống chính trị đã quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về thông tin truyền thông đến nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức, sự chủ động của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng dịch bệnh. Công tác chỉ đạo định hướng thông tin kịp thời, bám sát diễn biến của tình hình dịch bệnh; đảm bảo kỷ luật thông tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đánh giá cao các thông tin, hình ảnh ấn tượng về sự nỗ lực, tận tụy của "những chiến sĩ áo trắng", lực lượng Quân đội, Công an trong "cuộc chiến" chống Covid-19 được các cơ quan báo chí đăng tải. Thủ tướng cũng cảm ơn các tầng lớp nhân dân, các nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, các văn, nghệ sỹ và đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí đã đồng lòng nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng; quyết tâm phòng, chống dịch bệnh.
Phân tích những nguyên nhân làm nên chiến thắng này, Thủ tướng khẳng định đầu tiên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; cùng với đó là tinh thần yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; sự ưu việt của chế độ, "một tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam".
Với thành công trong công tác phòng, chống Covid-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong số ít các nước đang trong tiến trình bình thường mới sớm nhất. Đây là niềm tự hào đối với đất nước ta, được thế giới ghi nhận.
Nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm, quyết tâm đạt cao nhất các mục tiêu đề ra. Do đó, nhiệm vụ của công tác truyền thông là tiếp tục để người dân không chủ quan với bệnh dịch, đồng thời phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông trong mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Do đó, các cơ quan báo chí phải tập trung tôn vinh, thúc đẩy những tấm gương vượt khó, phát triển kinh tế; nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt… góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. Truyền thông cần góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực giải quyết các khó khăn vướng mắc, đề xuất các kiến nghị của người dân và cộng đồng doanh nghiệp…. Đi liền với đó, là thúc đẩy nhu cầu nội địa, du lịch nội địa. Phải truyền thông bằng các loại hình nghệ thuật, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau; chủ động làm tốt thông tin đối ngoại về Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam; tham gia tích cực góp phần vào thành công của đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy tinh thần “phò chính, diệt tà”, một tinh thần vượt qua khó khăn để nền báo chí cách mạng Việt Nam đứng vững. Thủ tướng cho rằng nên thảo luận về cơ chế tài chính hỗ trợ cho các cơ quan báo chí sau quy hoạch một cách phù hợp với khả năng tài chính quốc gia.
Tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng khen cho 18 tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông về phòng, chống Covid-19, Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam đã vinh dự được nhận Bằng khen trong đợt này.
Hương Diệp - Ảnh Quang Hiếu