|
Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 28/7/2017. |
Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đề án bao gồm 3 dự án thành phần là: Dự án "Trưng bày Bảo tàng", dự án "Sưu tầm hiện vật và tài liệu", dự án "Tuyển dụng và đào tạo Nhân sự bảo tàng".
|
Bảo tàng sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản. |
Ngày 21/8/2014, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở căn cứ đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là “bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt Nam quản lý" và “bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020”. Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ công bố quyết định và ra mắt Bảo tàng đã được tổ chức trọng thể ngày 16/8/2017.
|
Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam. |
Từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1000 ngày để triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, tài liệu về báo chí. Dự án "Sưu tầm tài liệu hiện vật hiện" đã và đang tiếp tục triển khai; đã sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại Kho cơ sở của bảo tàng. Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.
|
Nhà báo Lê Quốc Trung, Nguyên Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu các hiện vật gốc tại bảo tàng. |
Nhà báo Lê Quốc Trung, Nguyên Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: "Bảo tàng trưng bày 95% là hiện vật gốc còn lại là phục chế. Chúng tôi cố gắng tối thiểu phục chế trong quá trình thu thập, sưu tầm. Những hiện vật gốc ví dụ như buồng tối của báo ảnh Việt Nam của Thông tấn xã Việt Nam là hiện vật của những người làm trong buồng tối thời kỳ chiến tranh, trước những năm 1975 được thu thập đầy đủ. Chúng tôi nhờ một kỹ thuật viên đã từng làm buồng tối giúp bày biện lại đúng theo những cái sẵn có.
Tuy nhiên bên cạnh các hiện vật còn may mắn lưu giữ lại, những hiện vật báo chí là giấy, tư liệu không như các hiện vật khác lại rất dễ bị tàn nhanh. Để sưu tập các hiện vật gốc trưng bày tương đối đầy đủ cả quá trình lịch sử của Báo chí cách mạng Việt Nam là rất khó khăn. Nhưng với sự cố gắng của cả một tập thể những người làm bảo tàng, cũng như cả giới báo chí, ngày hôm nay chúng ta có được tương đối đầy đủ hiện vật về các thời kỳ để trưng bày là vô cùng quý giá".
|
Khu vực trưng bày các tư liệu quý của Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Dự án trưng bày triển khai đồng thời với Dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công. Nội dung trưng bày gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Không gian trưng bày với các hiện vật phong phú, khái quát được bố trí trên diện tích gần 1.500m², khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng.
Cùng với đó, tiệm cận với xu hướng xây dựng bảo tàng hiện đại, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng triển khai theo hướng trưng bày ảo. Các hệ thống màn hình từ gian đầu tiên cho đến gian đương đại đều được tích hợp trong đó những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến đời sống báo chí, liên quan đến hoạt động báo chí, cống hiến của báo chí các thời kỳ.
Bên cạnh đó, bảo tàng còn có hệ thống màn hình sẽ công chiếu 26 bộ phim giới thiệu về lịch sử báo chí và các nhà báo tiêu biểu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
|
Khách tham quan có thể tra cứu thông tin tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến báo chí. |
Một số điểm nhấn trong các không gian trưng bày: Hình tượng Bút sen ở gian khánh tiết, Bục kim cương ở gian 1865 – 1925; khu vực "Tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân", Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam…
Chia sẻ về quá trình xây dựng, thu thập tư liệu hiện vật, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: "Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn so với nhiều bảo tàng khác nên công tác sưu tầm, khai thác tư liệu vô cùng khó khăn.
Năm 2014, chúng tôi đã có khoảng 500 hiện vật của các nhà báo lão thành công tác ở Hội nhà báo Việt Nam đóng góp. Để có thể thu thập thêm nhiều hiện vật, chúng tôi đã kêu gọi, vận động các nhà báo hiến tặng hiện vật. Nhờ sự tiếp sức từ các nhà báo lão thành, các gia đình nhà báo, các cơ quan báo chí, chúng tôi đã có một lượng hiện vật phong phú, dồi dào là hơn 20.000 hiện vật giúp cho chúng tôi có được những cái nhìn tương đối tổng quát về lịch sử báo chí. Đây là một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ trong 6 năm liền.
|
Bà Trần Thị Kim Hoa,Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu khu vực trưng bày và chia sẻ về quá trình thu thập, sưu tầm các hiện vật, tư liệu quý giá trong và ngoài nước. |
Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi đồng thời nghiên cứu, xây dựng kịch bản trưng bày. Sau khi bảo tàng ra đời từ 2017 đến nay, chúng tôi đã trực tiếp thiết kế thi công trưng bày. Hiện tại, Bảo tàng đã có những khu vực tư liệu hiện vật có sự hiện diện và tiếng nói tương đối đại diện khái quát cho một thời kỳ lịch sử.
Tuy nhiên cũng có những chỗ chúng tôi chưa có những hiện vật cần thiết như mong muốn. Câu chuyện sưu tầm vẫn là câu chuyện của ngày mai, sau khi bảo tàng ra đời, câu chuyện sau khi khánh thành trưng bày. Mong rằng, Bảo tàng sẽ ngày một đầy đặn hơn nếu có sự hợp tác của chính các nhà báo, các tác giả, các cơ quan báo chí trong cả nước".
Bảo tàng Báo chí Việt Nam dự kiến chính thức khai trương và đón khách tham quan vào ngày 19/6/2020./.